Vị Trí Và Đặc Điểm Nổi Bật Của Nhà Thờ Đá Sapa
Được mệnh danh là trái tim của thị trấn sương mù, Nhà thờ đá Sapa trở thành điểm hẹn chung cho tất cả du khách khi du lịch đến vùng đất Tây Bắc quyến rũ này.
Nằm ở trung thị trấn Sapa, tên gọi chính thức của điểm di tích này là Nhà Thờ Đức Mẹ Mâm Côi. Tuy nhiên, do công trình kiến trúc này được xây dựng bởi vật liệu chính là đá tự nhiên đẽo nguyên khối, nên được người dân địa phương quen gọi Nhà Thờ Đá, hay Nhà Thờ Đá Sapa.
1. Vị trí tọa lạc Nhà thờ Đá Sapa
Hiện Nhà thờ này không có địa chỉ được gắn số cụ thể. Tuy vậy, thật đơn giản để du khách nhận ra ngay khi đến điểm giao nhau giữa đường Thạch Sơn, Hàm Rồng và Phạm Xuân Huân.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1926 bởi những nhà truyền giáo người Pháp. Đây có thể được xem là một trong những công trình tôn giáo mang kiến trúc Pháp lâu đời nhất còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay trên địa bàn Sapa.
Ấn tượng đầu tiên về công trình kiến trúc này có lẽ là vị trí tọa lạc của nó. Giáo đường nằm ngay trung tâm thị trấn Sapa, tại điểm giao nhau giữa đường Thạch Sơn, Hàm Rồng và Phạm Xuân Huân. Vị trí tọa lạc đắc địa này đủ để khẳng định nơi đây như trái tim của thị trấn. Và dù bạn ở đâu trên địa bàn thị trấn Sapa bạn đều có thể nhìn thấy Nhà Thờ Đức Mẹ Mâm Côi.
Không chỉ có vị trí thuận lợi đối với giao thông di chuyển, Nhà thờ còn được đánh giá cao về yếu tố địa lý phong thủy. Với địa thế lưng tựa núi Hàm Rồng vững chãi ở phía Tây, mặt quay về khu đất rộng bằng phẳng ở phía Đông, Nhà thờ Đá Sapa trở thành điểm hội tụ thu hút năng lượng tự nhiên. Dưới góc nhìn tâm linh, thế đứng này cũng được nhận định là hoàn hảo để đón nhận năng lượng Thiên Chúa chiếu sáng, giúp gia tăng sức mạnh tôn nghiêm cho Nhà thờ.
2. Tổng quan về khuôn viên nhà thờ
Ngôi nhà thờ 100 năm tuổi này được xây dựng trong khuôn viên rộng 6.000m2, bao gồm 7 khu vực chính: khu nhà thờ, dãy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà thiên sứ, khu chăn nuôi, sân phía trước, khu vườn Thánh và hàng rào.
Trong đó, công trình nổi bật nhất thu hút đông đảo khách tham quan chính là khu nhà thờ. Giáo đường này có diện tích 500m2, gồm 7 gian và phần tháp chuông cao đến 20m. Bên trong tháp chuông hiện vẫn còn lưu giữ quả chuông được đúc từ năm 1932, nặng 500kg, cao 1,5m và có bán kính âm vang rộng trong khoảng 1km. Quả chuông này được đặt trên giá đỡ làm bằng gỗ Pơ mu.
Công trình quan trọng tiếp theo là Khu nhà thiên thần. Nhà có thiết kế đầy đủ không gian cho các hoạt động như: khám chữa bệnh; nơi dành cho những người lữ hành lưu trú qua đêm; khu dành cho hoạt động ẩm thực, nấu ăn; khu vực công trình vệ sinh; và tầng hầm.
Ngoài ra, sân trước, vườn thánh cũng được thiết kế khá thông thoáng, rộng rãi. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa cộng động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
3. Điểm nổi bật của nhà thờ dành cho du khách khám phá
1. Nhà thờ như một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ đá đẽo tự nhiên
Công trình là kết quả kiến tạo vô cùng tài hoa của các bậc thầy xây dựng thời bấy giờ. Nó trông như tác phẩm nghệ thuật được dựng nên bởi hàng vạn khối đá tự nhiên được gọt đẽo công phu và không theo bất kỳ một khuôn mẫu cố định nào. Những khối đá đẽo này được gắn kết với nhau bởi hỗn hợp vôi, cát và mật mía.
Một giáo đường rộng lớn, uy nghiêm ra đời từ những nguyên liệu thuần tự nhiên đó vẫn tồn tại vững chãi qua trăm năm lịch sử thăng trầm. Ngày nay, công trình ấy trở thành biểu tượng của Sapa.
Đến thăm nhà thờ Đức Mẹ Mâm Côi, du khách chắc chắn không thể không trầm trồ trước kỹ thuật xây dựng có từ trăm năm trước. Càng quan sát sự kết nối tinh tế của từng viên đá càng nhận ra mức độ công phu, tỉ mỉ trong mỗi thao tác tạo dựng nên thánh đường uy nghi này.
3.2. Kiến trúc Gothic độc đáo của núi rừng Sapa
Nói đến nét đẹp của nhà thờ đá Sapa không thể không nói đến lối kiến trúc Gothic độc đáo có tại nhà thánh này.
Đặc trưng đầu tiên là hệ mái vòm nhọn. Từ mái nhà, vòm cuốn đến tháp chuông đều có kết cấu vuốt nhọn lên cao. Lối kiến trúc này giúp toàn bộ công trình toát lên nét thanh thoát, nguy nga.
Kiến trúc mái vòm nhọn cũng là yếu tố giúp không gian bên trong giáo đường trở nên vô cùng rộng rãi, thoáng đãng.
Phần trần, trước đây, được làm từ hỗn hợp vôi, rơm và sắt. Tuy nhiên, qua nhiều lần trùng tu, đến nay, chỉ có khu vực gác chuông là vẫn còn giữ nguyên vẹn kết cấu này. Tuy vậy, chúng tôi không chắc chắn rằng du khách có thể có cơ hội tham quan được vị trí đặc biệt này hay không.
Vẻ đẹp của kiến trúc Gothic có tại Giáo đường Đức Mẹ Mâm Côi còn nằm ở hệ thống 32 ô cửa sổ kính màu lấy sáng. Trên mỗi ô kính màu thể hiện một bức tranh về Chúa, hay Đức Mẹ với màu sắc, đường nét vô cùng tinh tế, sống động. Mặc dù, đã được xây dựng từ trăm năm trước, nhưng những ô kính màu này đến nay vẫn có sức hút mạnh mẽ với người xem.
Ngoài ra, cánh thánh giá bên phải của nhà thờ còn có phần tường được các nhà xây dựng tạo nhám. Thiết kế này nhằm mang lại cảm giác như những nhủ đá thời gian đang chảy trên mặt tường cổ kính, trầm mặc. Dưới góc nhìn của người viết, vị trí này còn khá thú vị để sáng tạo nên những bức ảnh đẹp, bạn hãy thử nhé.
Có thể nói, nhà thờ Đá Sapa là đại diện tiêu biểu cho một trong những công trình kiến trúc Gothic trăm năm tuổi còn tồn tại nguyên vẹn ở Việt Nam. Chính lối kiến trúc cổ độc đáo này đã góp phần làm nên vẻ đẹp huy hoàng cho giáo đường.
Đặc biệt, vào những dịp hiếm hoi có tuyết rơi ở Sapa, nhà thờ được phủ một lớp bông nước trắng muốt, lấp lánh càng làm tăng thêm vẻ đẹp tĩnh mịch, nguy nga của thánh đường.
Trải qua thăng trầm thời gian, Nhà thờ Đức Mẹ Mâm Côi vẫn uy nghiêm giữa lòng Sapa mờ ảo trong sương mù. Hãy vác balo lên và thực hiện ngay chuyến đi đến với vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam yêu kiều, cùng khám phá vẻ đẹp cổ kính, tráng lệ của Nhà thờ Đá. Chúng tôi luôn ở đây để hỗ trợ du khách bất kỳ lúc nào bạn cần.
(Ảnh: Luu Lee/Vietnamdrive)
-
Điểm chụp ảnh
-
Lịch sử & văn hóa
-
Cho phép chụp ảnh
-
Có bãi đậu xe