Các trò chơi truyền thống phổ biến ở Việt Nam

Tại mỗi cộng đồng người khác nhau, luôn có những trò chơi tập thể mang dấu ấn văn hóa của riêng cộng đồng đó. Nó đảm nhận vai trò như sợi dây kết nối tình đoàn kết của các cá nhân trong cộng đồng lại cùng nhau. Theo thời gian, những trò chơi tập thể này trở thành tổ hợp trò chơi truyền thống có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với nền văn hóa của từng vùng đất.

Tại Việt Nam, trải qua lịch sử phát triển lâu dài cùng bề dày văn hóa hàng ngàn năm, đã để lại trong đời sống người dân rất nhiều các trò chơi dân gian truyền thống đầy thú vị. Top 9 thường thấy và phổ biến nhất có thể kể đến:

1. Đấu vật

Đấu Vật ở Làng Sình - Huế
Đấu Vật ở Làng Sình, Huế. ©Bá Trí / baothuathienhue.vn

Trò chơi này như một môn thể thao truyền thống được rất nhiều người Việt yêu thích. Theo nhiều tư liệu, trò chơi đấu vật ban đầu được bà Lê Chân, tướng tiên phong của Trưng Nữ Vương (năm 41- 43) sử dụng để tuyển chọn những trai tráng khoẻ mạnh, nhằm lập binh đánh đuổi quan Hán, dành lại chủ quyền cho dân tộc. Kể từ đó, đấu vật được truyền bá rộng rãi trong dân chúng và trở thành trò chơi truyền thống của dân tộc.

Không gian để trò chơi diễn ra thường ở các sân đình, sân làng, nơi có diện tích rộng lớn. Tại đây, người ta cho xây dựng một sàn đấu hình tròn, nền sàn là đất cát tơi mềm và gọi là Sới vật. 

Một trận đấu vật hay còn gọi “Keo vật” sẽ là cuộc tranh tài của hai đô vật. Theo luật đấu vật truyền thống Việt Nam, thường các đô vật này không phân biệt về tuổi tác, cân nặng, thậm chí cả giới tính. Chỉ cần người tham gia đủ tự tin về bản thân và sức khoẻ đều có thể đăng ký tham gia và bước lên sới vật tranh tài cùng nhau.

Trong trận đấu, hai đô vật sử dụng các kỹ thuật, miếng đòn để đánh vật đối thủ ngã chạm lưng xuống sàn cho “lấm lưng trắng bụng”. Đô vật bị đánh “lấm lưng trắng bụng” là người thua cuộc, trận đấu sẽ kết thúc và phần thắng thuộc về đô vật còn lại.

Hiện, Việt Nam còn nhiều hội vật truyền thống nổi tiếng, như hội vật Làng Sình- tỉnh Thừa Thiên Huế; hội vật làng Phù Tài- tỉnh Bắc Giang; hội vật làng Vĩnh Khê- tỉnh Hải Phòng; sới vật lại lễ hội đền vua Mai- tỉnh Nghệ An; hội vật Mai Động, hội vật Hồng Hà- Hà Nội;… Các hội vật này chủ yếu được tổ chức vào dịp đầu năm mới âm lịch hàng năm, và thu hút lượng lớn người tham gia thi đấu cũng như xem, cổ vũ.

2. Đua thuyền

Việt Nam với điều kiện địa hình có sông ngòi dày đặc, bờ biển dài chạy dọc từ Bắc đến Nam, đã trở thành tiền đề để nền văn hoá nông nghiệp gắn liền sông nước phát triển. Nó cũng là lý do để bộ môn đua thuyền trên sông trở thành trò chơi truyền thống nhận được sự yêu mếm từ đông đảo người dân khắp cả nước.

Bộ môn đua thuyền truyền thống Việt Nam chỉ bao gồm hình thức thi đấu đồng đội và được chia thành ba nội dung chính: đua thuyền nam; đua thuyền nữ; và đua thuyền nam nữ phối hợp. Từ các nội dung này, tuỳ từng địa phương và giải đấu mà có đua thuyền ngắn và đua thuyền dài.

Với thuyền ngắn, số lượng vận động viên tham gia từ 10- 14 người trên 1 thuyền. Ở thể loại thuyền dài, số vận động viên giao động từ 18- 22 người trên 1 thuyền. Trong đó bao gồm 1 tay lái, 1 tay đánh mõ, 1 tay tát nước và các tay chèo. Tất cả những vận động viên này đều là người lao động vùng nông thôn, quanh năm sống với nghề đánh bắt trên sông nước. Hội đua thuyền trở thành dịp quan trọng để họ quy tu lại và tranh tài cùng nhau. 

Cự ly đường đua của mỗi giải đua thuyền có sự chênh lệch khá lớn, có thể từ 4- 5km cho đường đua ngắn, đến đường đua dài 14- 15km. Để hoàn thành các cự ly này, thuyền đua phải vòng nhiều lần qua 2 cột tiêu nằm ở hai đầu, với khoảng cách từ 500m đến 1.000m. Đây là hai cột làm mốc giới hạn đoạn sông thi đấu và đồng thời tạo nên sức hấp dẫn của chặng đua khi các thuyền cùng tranh nhau vòng qua tiêu.

Mỗi hội đua thuyền diễn ra đều thu hút sự chú ý, quan tâm và cổ vũ của đông đảo người dân, tạo nên sức hứng khởi, hào hứng vô cùng lớn. Hội đua thuyền thường diễn ra vào dịp đầu năm mới; kỷ niệm ngày quốc khánh 2-9; hay các dịp kỷ niệm quan trọng của từng địa phương.

3. Đi cà kheo

Cà kheo xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, tại Việt Nam, đây lại là trò chơi truyền thống có mặt khắp các vùng miền đất nước.

Nhiều giả thuyết cho rằng, cà kheo được tạo ra từ rất lâu trước đây, khi đời sống người dân còn lạc hậu và chưa có nhiều phương tiện hỗ trợ lao động như thuyền, xe, máy móc. Để di chuyển qua các vùng đầm lầy vào mùa mưa hay đánh bắt cá tại các lưu vực sông, biển, người dân đã sáng tạo nên cặp cà kheo. Nó như cách để họ nối dài hơn đôi chân của mình khi cần thiết.

Để tạo ra đôi cà kheo, người ta dùng thân tre già ngâm trong bùn nhiều tháng đến khi tre có độ bền chắc và khô nhẹ. Tiếp đó, họ gắn vào thân tre hai khấc đỡ để đặt bàn chân khi sử dụng. Tuỳ vào chiều cao cũng như khả năng của từng người mà vị trí của khấc cao hay thấp. Một vài cặp cà kheo có khấc đỡ cao từ 1,5m đến 2m, trong khi mức bình quân thường thấy tầm 0,5m.

Ngày nay, cà kheo trở thành trò chơi truyền thống thú vị, thường xuất hiện vào các dịp lễ hội, hay ngày đầu năm mới dưới các hình thức khác nhau, như: trình diễn nghệ thuật đi cà kheo; thi chạy đua trên cà kheo; đá bóng cà kheo; húc cà kheo;… 

Thỉnh thoảng, trong một số dịp lễ hội, trò chơi cà kheo cũng được đưa ra giới thiệu và tạo cơ hội để du khách trải nghiệm nó. Hoạt động này thu hút rất nhiều sự hứng khởi của người tham gia, kể cả du khách khắp nơi trên thế giới. Do đó, bạn đừng ngần ngại mà hãy thử trải nghiệm ngay khi có cơ hội nhé.

4. Đập niêu

Có vẻ như đây là một trò chơi dân gian mang tính giải trí thuần tuý và vô cùng hấp dẫn. Trò chơi chủ yếu xuất hiện trong các dịp tết, hội làng, các lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia vui chơi.

Luật chơi của trò đập niêu rất đơn giản, ban tổ chức sẽ treo một chiếc niêu đất ở độ cao ngang tầm mặt người. Người tham gia trò đập niêu sẽ đứng cách vị trí treo chiếc niêu một khoảng cách độ 10 -15 bước chân. Ban tổ chức sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy tre tầm 0,5m- 0,7m và tiến hành bịt mắt người chơi bằng một mặt nạ hoặc dãi lụa.

Nhiệm vụ của người chơi là di chuyển đến vị trí chiếc niêu rồi dùng gậy tre để đập vỡ niêu đất. Niêu đất vỡ, người chơi chiến thắng và sẽ nhận được một món quà nhỏ từ ban tổ chức. 

Trò chơi đập niêu không chỉ mang lại hứng khởi cho người chơi, mà còn tạo ra tiếng cười sảng khoái cho người xem. Cái khó của người chơi khi phải di chuyển đến vị trí của chiếc niêu và lúc vung gậy lên đập trong trạng thái bị bịt mắt, tạo nên tính chất hồi hộp, pha chút gây cấn nhẹ nhàng đầy ngây ngô, gây cười. 

Một vài người tham gia trò chơi đập niêu như cách giải toả căng thẳng hiệu quả. Khoảnh khắc chiếc niêu vở tung trong không trung nghe giòn tan đầy sảng khoái. Hãy thử trò chơi này ngay khi có cơ hội, bạn sẽ nhận ra nó thật sự là trò chơi vui nhộn, hấp dẫn.

5. Bài chòi

Bài chòi là trò chơi dân gian độc đáo xuất phát từ khu vực miền Trung Việt Nam. Trò chơi này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, xa xưa, cuộc sống người dân miền Trung chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng trọt cây trái, lương thực tại các nương rẫy. Thời đó, có nhiều thú hoang tìm đến quấy phá mùa màng. Để bảo vệ thành quả lao động, người dân dựng các chòi cao ở ven bìa rừng, đầu nương và cắt cử trai tráng đến canh giữ. 

Nhằm tránh buồn chán, những người đi canh chòi nghĩ ra cách hát đối đáp cùng nhau. Đồng thời sử dụng các thẻ bài có các hình vẻ và tên gọi thú vị riêng như: nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ tượng,… để làm chủ đề hô hát (tuỳ địa phương mà bộ bài này có 27 thẻ hoặc 32 thẻ).

Dần dà, từ đây hình thành nên trò chơi bài chòi đặc sắc và không thể thiếu ở các miền quê miền Trung. Vào những ngày nông nhàn, các dịp lễ hội, ngày Tết, dân làng lại tập trung cùng nhau tổ chức chơi bài chòi.

Đến với hội bài chòi, bạn sẽ được thưởng thức những màn hát đối đáp thật sự cuốn hút, và vui nhộn. Âm hưởng của các bài dân ca thấm đượm tình người miền Trung chất phát, thật thà, đồng thời pha chút dư vị tếu táo, hài hước khiến người nghe say mê, quyến luyến.

Hiện nay, du lịch đến Hội An- Quảng Nam, bạn sẽ có cơ hội được tham gia hội chơi bài chòi, được tổ chức vào 19h hằng đêm tại khu vực trung tâm phố cổ. 

6. Đánh đu

Đây là một trong những trò chơi dân gian vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính giải trí cao. Trò chơi này thường diễn ra vào ngày Tết, hay các dịp lễ hội lớn, và chủ yếu phổ biến ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Để tổ chức trò chơi đánh đu, trước hết người ta phải tiến hành dựng cây đu. Địa điểm chọn để dựng cây đu thường là khu vực sân vận động của làng, hoặc trên vùng đất trống, nơi có không gian thoáng rộng.

Một cây đu sẽ bao gồm cột đu và cần đu. Cột đu được tạo nên bởi từ 6 đến 8 cây tre to, dài, chôn sâu chắc chắn xuống đất theo thế chân kiềng, đầu chụm vào nhau.

Cần đu cũng được làm từ hai cây tre dài, chắc nhưng thon gọn và có bề mặt nhẵn hơn. Đầu trên của 2 cây tre này gắn liền với đầu trên của cột đu. Đầu dưới được nối với nhau bằng một thanh tre ngang để làm chỗ đứng cho người đánh đu.

Khi chơi đu, người ta có thể chọn chơi đu một người hoặc hai người cùng nhau. Người chơi sử dụng các động tác nhún đẩy để cần đu chuyển động từ bên này sang bên kia. Cần đu càng lên cao trò chơi càng hấp dẫn. Người điều khiển cần đu lên cao nhất sẽ là người chiến thắng.

Đến đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vào những ngày đầu xuân, bạn sẽ ấn tượng bởi hình ảnh của những đôi trai gái trong trang phục rực rỡ, cùng nhún đẩy trên cây đu. Trong tiếng hò reo nhộn nhịp của người đứng xem, họ như đang bay trong không trung, tạo nên khung cảnh vô cùng đẹp mắt.

Nếu có cơ hội, bạn đừng ngần ngại, hãy lên cây đu, để được hòa cùng không khí lễ hội đầy tươi vui của người dân địa phương. Hoạt động này sẽ để lại cho bạn thật nhiều kỷ niệm khó quên.

7. Đi cầu khỉ

Đi cầu khỉ là trò chơi phổ biến ở khu vực Nam Bộ, Việt Nam. Trò chơi vận động này đòi hỏi ở người chơi sự khéo léo, linh hoạt, kỹ năng giữ thăng bằng cao bởi những thử thách mà nó tạo ra. Nhưng đồng thời, trò đi cầu khỉ cũng mang lại sức hứng khởi rất lớn cho người xem, và thu hút đông đảo đối tượng tham gia.

Cầu khỉ được cho là xuất hiện đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hệ thống kênh rạch dày đặc. Để tạo lối đi qua những con rạch chằng chịt này, người dân đã sử dụng thân một cây tre, hoặc dừa bắc ngang từ bờ bên này sang bờ bên kia, tạo thành nhịp cầu có một không hai.

Cầu khỉ có thể có tay vịn hoặc không có tay vịn và vô cùng trơn trượt, khó đi. Chính vì lý do này mà đi cầu khỉ trở thành một trò chơi dân gian đầy lý thú.

Ngày nay, trước khi tổ chức trò chơi đi cầu khỉ, người ta sẽ tiến hành dựng cầu khỉ ở một con rạch có mực nước nông, hoặc trên mặt bằng rộng có nền cát mềm. Cầu bao gồm một thân tre chắc chắn có chiều dài từ 5- 10 m. Một đầu cây tre được giữ cố định, đầu còn lại để tự do hoặc treo trên sợi dây. Cây tre nằm cách mặt nước, hay nền đất từ 0.5m đến 1m.

Người chơi chiến thắng là người đi hết một vòng, từ điểm xuất phát đến đầu bên kia cây cầu và quay lại về đúng vạch xuất phát. Vì độ khó của trò chơi, mà người chiến thắng thường nhận được phần thưởng là khoản tiền mặt rất hấp dẫn.

Với người xem, được chứng kiến một màn đi cầu khỉ trọn vẹn, quả thật vô cùng hứng khởi. Nó như tiết mục biểu diễn xiếc nghệ thuật sinh động.

8. Kéo co

Kéo co là trò chơi vui nhộn, xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, kéo co được xem như trò chơi dân gian mang tính đồng đội cao. Nó cũng đồng thời là môn thể thao cộng đồng, thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ hội, hay hoạt động sinh hoạt đội nhóm.

Vào năm 2015, nghi lễ trò chơi kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.

Tại Việt Nam, hiện có hai hình thức chơi kéo co, bao gồm kéo bằng dây và kéo trực tiếp bằng tay. Trong đó, luật chơi kéo co bằng dây giống với luật kéo co phổ biến tại các nước trên thế giới.

Với hình thức kéo co bằng tay, hai người đứng đầu của mỗi đội sẽ nắm tay nhau. Các thành viên phía sau vòng tay ôm bụng của người liền trước mà kéo. Đội thua cuộc là đội có người đứng đầu bị kéo vượt qua chỉ giới đã được vạch trước.

Dù với hình thức kéo co nào, số lượng thành viên của mỗi đội là không giới hạn, và bao gồm các thể loại: đồng đội nam; đồng đội nữ; hoặc nam nữ phối hợp.

Để dành chiến thắng trong trò chơi kéo co, ngoài sức khỏe, người chơi còn cần có tư thế động tác hợp lý. Đồng thời, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội.

Nhờ tính chất linh động và luật chơi dễ dàng, kéo co trở nên phổ biến và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ người chơi. Nó cũng mang đến rất nhiều tiếng cười sảng khoái cho người xem.

9. Cờ người

Cờ người thường xuất hiện ở các dịp lễ hội truyền thống có quy mô lớn tại Việt Nam. Đây là trò chơi dân gian đầy tính nghệ thuật của người Việt, với màn kết hợp đẹp mắt giữa nghệ thuật chơi cờ tướng và trình diễn võ cổ truyền Vovinam.

Theo đó, 32 quân cờ trong bộ cờ tướng sẽ được thay thế bằng 32 võ sĩ, gồm 16 nam và 16 nữ. Các võ sĩ này chia đều thành hai đội, làm nhiệm vụ đóng thế thành những quân cờ xanh đỏ và di chuyển trên bàn cờ theo sự điều khiển của người chơi cờ.

Đặc biệt, trong từng bước đi, mỗi quân cờ người đồng thời sẽ biểu diễn những thế võ dũng mãnh, hay các màn song đấu đẹp mắt.

Không gian diễn ra trò chơi cờ người thường là sân làng, sân trung tâm văn hoá. Bàn cờ sẽ được ban tổ chức vẽ thật ngay ngắn, cân đối tại khu vực giữa sân, với diện tích đủ rộng để các võ sĩ di chuyển, và thi triển các thế võ.

Người chơi cờ ngồi trên hai chiếc chòi cao đã được dựng sẵn và nằm đối diện nhau qua bàn cờ. Vị trí của chòi cần đảm bảo sao cho người chơi cờ có thể nhìn bao quát hết bàn cờ và dễ dàng tính toán các bước đi, nhằm điều khiển quân cờ di chuyển đúng chiến thuật.

Tại mỗi trận đấu cờ người, người xem sẽ có cơ hội chứng kiến những màn đấu chiến thuật căng thẳng. Cùng với đó là các pha biểu diễn võ thuật sắc bén, lôi cuốn. Mỗi ván cờ nhờ đó trở nên sống động, đẹp mắt, rộn ràng tiếng cổ vũ, bàn luận từ người xem.

Từ những trò chơi truyền thống tiêu biểu này, có thể thấy người Việt có tinh thần thượng võ rất cao. Họ đề cao các hoạt động rèn luyện sức khoẻ, sự bền bỉ và tính chính xác. Nhưng đồng thời, người Việt cũng sở hữu tinh thần kết nối cộng đồng rộng lớn, vui vẻ, hoà đồng. Họ yêu mếm cái đẹp, cái tinh tế và tạo sự gắn kết chặt chẽ với nhau qua những điều tinh tế đó.

Nếu bạn du lịch đến Việt Nam và có cơ hội tiếp xúc các trò chơi truyền thống, đừng ngần ngại, hãy bước đến và hoà cùng niềm vui với người bản địa. Bạn sẽ nhận được sự chào mừng nồng nhiệt cùng sức cổ vũ hân hoan đến khó quên. Hãy thử trải nghiệm và lan truyền về những điều hay ho này nhé.


 

 / 

Sign in

Send Message

My favorites