Với lịch sử trải qua ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, tại Việt Nam, võ thuật luôn là bộ môn thể thao gắn liền với đời sống. Luyện tập võ như cách để rèn luyện sức khỏe, tự vệ bản thân, và để xây dựng, bảo vệ đất nước.
Với tinh thần thượng võ đó, người Việt không ngừng hoàn thiện những thế võ truyền thống mà cha ông để lại từ ngàn xưa. Đồng thời sẵn sàng học hỏi, du nhập những bộ môn võ thuật đẹp từ thế giới nhằm làm phong phú thêm nền võ học nước nhà.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu đến người đọc 15 bộ môn võ thuật được tập luyện phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Trong đó có những môn võ trong nước và các môn võ du nhập từ nước ngoài.
A. Các môn võ trong nước
1. Võ cổ truyền Việt
Khi nói đến các bộ môn võ thuật ở Việt Nam, chúng tôi chọn nhắc đến võ cổ truyền Việt Nam đầu tiên. Bởi lẽ, đây là bộ môn võ do chính người Việt sáng tạo nên và có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời nhất. Nó gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Theo ghi nhận lịch sử, ngay khi các vua Hùng lập nước, Vua đã xây dựng một bộ máy chính quyền với cả quan văn và quan võ. Các quan võ lúc này có nhiệm vụ trông coi việc quân sự, trị an. Song song với đó là liên tục chiêu mộ trai tráng khỏe mạnh cùng luyện tập các thế võ, và cách sử dụng binh khí như đao, cung, nỏ, rìu, giáo, mác, lao.
Những thế võ được luyện tập và sử dụng lúc này đòi hỏi đáp ứng nhu cầu thực chiến và phù hợp với cơ địa người Việt, lẫn điều kiện địa hình, thời tiết Việt Nam. Trãi qua tiến trình phát triển của lịch sử, võ cổ truyền không ngừng phát triển và hoàn thiện mình.
Đồng thời với tiến trình nâng cao chất lượng, các môn phái võ cổ truyền khác nhau cũng dần hình thành. Dựa trên nền tảng những đòn thế và binh khí căn bản, mỗi môn phái sẽ sáng tạo ra những mảng miếng mang giá trị thực chiến của riêng.
Chính sự phát triển này đã giúp võ cổ truyền Việt Nam khẳng định vững vàng vị thế của mình. Qua hàng ngàn năm, tinh hoa võ cổ truyền vẫn được truyền thụ và giữ vững nét đẹp của nó. Đến nay, võ cổ truyền đã hoàn thiện bộ giáo lý mang trọn ý nghĩa giáo dục và nhân văn, gồm: võ lý, võ lễ, võ đạo, võ kinh (những thế võ cao cấp dùng trong thi cử ở cấp triều đình), võ trận (võ đánh trận), võ thuật, võ cử (thế võ thi cử ở cấp thấp), võ y (võ dùng điều trị bệnh), võ nhạc (võ trống trận), võ miếu (bao gồm những công trình kiến trúc thờ các vị tổ võ sư), võ phục (đồng phục võ).
Đồng phục cho võ sinh võ cổ truyền Việt Nam được may bằng vải màu đen, cổ bầu, cài khuy, trên ngực trái của áo có logo hình tròn, quần lưng chun, thắt đai.
Cấp bậc đai được quy định theo thứ tự: đai đen (huyền đai), đai xanh (lục đai), đai vàng (hoàng đai), đai đỏ (hồng đai) và bậc cao nhất là đai trắng (Bạch đai). Trong mỗi cấp bậc đai lại chia thành các loại đai trơn, đai 1 vạch – nhất đẳng, đai 2 vạch – nhị đẳng, đai 3 vạch – tam đẳng.
Người đạt mức đai Hồng đai tam đẳng- đai đỏ 3 vạch, được công nhận là chuẩn võ sư. Người đạt đai trắng – Bạch đai, được phong huy hiệu Võ sư. Võ sư cao cấp sẽ mang đai trắng với năm vạch đen, xanh, vàng, đỏ và trắng.
2. Đấu vật
Hiện vẫn còn nhiều tranh luận khác nhau về việc có xem Đấu vật là một bộ môn võ hay không. Chẳng hạn Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không chấp nhận đấu vật là một môn võ. Trong khi đó Liên đoàn Đấu vật Quốc tế (UWW) lại khẳng định đấu vật là một môn võ.
Bất kể sự tranh luận là gì, với người Việt, đấu vật được xem như một trong những môn võ có lịch sử cổ xưa nhất. Bằng chứng thể hiện qua những tư liệu lịch sử khẳng định từ những năm 40- 43, chị em nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị đã sử dụng đấu vật để tuyển binh và luyện quân.
Đến nay, đấu vật vẫn tồn tại như môn thể thao đẹp ở Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hóa. Đây cũng là bộ môn được đưa vào luyện tập chuyên nghiệp để tham gia các giải đấu trên đấu trường khu vực và Quốc tế.
3. Việt Võ đạo/ võ đạo Việt Nam- Vovinam
So với 2 bộ môn võ cổ truyền và đấu vật, Vovinam ra đời muộn hơn rất nhiều. Theo đó, vào năm 1936, cố Võ sư Chưởng môn Sáng tổ Nguyễn Lộc đã kết hợp các đòn thế của võ và vật truyền thống, cùng sự sáng tạo, cách tân của bản thân để khai sinh nên môn phái võ đạo Việt Nam.
Tinh thần chính mà võ sư Nguyễn Lộc muốn thổi vào môn phái vovinam chính là “Cách mạng tâm thân”. Tức mọi võ sinh cần luôn luôn trau dồi, phát triển làm mới kiến thức, kỹ thuật của bản thân. Đồng thời cần hướng thiện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đến năm 1938, Vovinam được mang ra công khai truyền thụ rộng rãi cho các võ sinh. Từ đó đến nay, Vovinam liên tục được mở rộng và được đông đảo người dân đón nhận, luyện tập.
Đến năm 2007, liên đoàn vovinam được thành lập. Năm 2008 ra mắt liên đoàn vovinam thế giới (WVVF). Năm 2009, thành lập liên đoàn vovinam châu Á (AVF). Năm 2010, liên đoàn vovinam châu Âu ra đời.
Năm 2011, lần đầu tiên vovinam được đưa vào thi đấu chính thức tại SEA game 26 tổ chức tại Indonesia.
Trang phục dành cho võ sinh vovinam có màu xanh dương, áo được may thành 2 vạt, buộc đai, trên ngực trái có phù hiệu hình tròn ghi rõ “Việt Võ đạo”.
Đai buộc được chia thành các cấp bậc từ: xanh Dương, xanh Lam, Vàng, Đỏ và bậc cao nhất là Trắng.
Đến nay, vovinam đã thu hút được đông đảo môn sinh theo luyện tập, thi đấu và trở thành một trong những môn võ nổi bật nhất trong nước. Đồng thời, vovinam cũng được truyền dạy, luyện tập tại hơn 70 nước khác nhau trên thế giới.
B. Môn võ du nhập từ nước ngoài
4. Karate từ Nhật Bản
Karate hay còn gọi karatedo, là bộ môn võ có xuất xứ từ vùng Okinawa- Nhật Bản. Trên thế giới, karate có sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự yêu mến của đông đảo người đam mê võ thuật.
Tại Việt Nam, karate được giới thiệu lần đầu vào năm 1947 tại Sài Gòn bởi võ sư Hồ Cẩm Ngạc. Ông cũng là người có công đưa bộ môn võ Nhật Bản này vào truyền dạy tại Việt Nam.
Karate bao gồm các đòn thế chủ đạo như đá, đấm, cùi chỏ, đầu gối và kỹ thuật sử dụng bàn tay mở để tung ra các cú đánh.
Võ phục của karatedo được may bằng vải trắng, áo có hai vạt, và buộc đai. Cấp bậc đai được quy định theo thứ tự: trắng, vàng, xanh da trời nhạt, xanh lá, xanh da trời đậm, nâu, đen.
Tuy vậy, sự phân chia màu đai này là không thống nhất giữa các hệ phái khác nhau. Ngoài đai trắng cho người bắt đầu, và đai đen cho bậc cao nhất, những hạng đai ở giữa có sự biến động khác biệt tùy vào từng hệ phái riêng biệt.
5. Taekwondo từ Hàn Quốc
Taekwondo được xem là Quốc võ của người Hàn Quốc. Bộ môn võ thuật này sử dụng chủ yếu các đòn đánh bằng tay và chân. Trong đó, kỹ thuật tung ra các đòn đá của taekwondo vô cùng độc đáo và mạnh mẽ.
Người luyện tập bộ môn này đòi hỏi rất nhiều sự linh hoạt, nhanh nhẹn và khéo léo của cơ thể. Ngoài ra, bên cạnh việc rèn luyện thể chất, taekwondo cũng đề cao việc rèn luyện tinh thần với các triết lý về sự trung thực, tôn trọng, kiên nhẫn, khiêm tốn, và tự kiểm soát.
Trang phục võ sinh taekwondo có màu trắng, áo may thành 2 vạt, buộc đai. Bộ môn này được chia thành 6 cấp bậc đai, gồm: trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, đỏ và đen. Trong đó đai trắng là thấp nhất và đai đen dành cho bậc cao nhất.
Tại Việt Nam, taekwondo được đưa vào tập luyện từ năm 1962, với cơ sở đầu tiên ở Sài Gòn. Đến năm 1996, ra mắt liên đoàn taekwondo Việt Nam và là thành viên của liên đoàn taekwondo thế giới. Ngày này, taekwondo đã phát triển rộng khắp cả nước và nhận được nhiều yêu mến từ người luyện tập.
6. Pencak Silat từ Indonesia
Xuất phát từ Indonesia, bộ môn võ thuật Pencak Silat du nhập vào Việt Nam từ năm 1989, ngay sau kỳ SEA game 15. Mặc dù, còn khá mới mẽ so với những môn võ khác, nhưng pencak Silat đã nhanh chóng trở thành môn võ thế mạnh, mang lại nhiều huy chương, thành tích cho Việt Nam trong các giải đấu khu vực và Quốc tế.
Nét đẹp của Pencak Silat nằm ở sự kết hợp khéo léo giữa các đòn thế mang tính chất tự vệ và phản công. Ngay sau những đòn né tránh là những mảng miếng phản công đẹp mắt. Để có được điều này, môn võ đòi hỏi người luyện cần có sự linh hoạt, nhanh nhẹn, dẻo dai và biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thế đánh.
Ngoài việc sử dụng các đòn đánh bằng chân tay như đá, đấm, né, xoay, kẹp, Pencak Silat còn đề cao kỹ thuật sử dụng các loại binh khí như đao, kiếm, dao, gậy, dây, hay cả ám khí.
Trang phục của võ sinh Pencak Silat có màu đen, cổ trụ, buộc đai. Về hệ bậc đai, hiện tại ở Việt Nam, hệ bậc đai của môn võ này khá giống với hệ bậc đai của võ cổ truyền Việt Nam. Nó bao gồm 5 bậc đai, theo thứ tự: đen, xanh, vàng, đỏ và trắng.
7. Boxing
Bộ môn võ thuật với thế mạnh chủ yếu là những nắm đấm quyền lực của người phương Tây du nhập vào Việt Nam khá sớm, từ những năm 20 của thế kỷ XX. Ngay khi vào Việt Nam, boxing đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của giới đam mê thể thao.
Có những giai đoạn, bộ môn này có sức hút ngang tầm với môn thể thao vua bóng đá. Mỗi trận boxing diễn ra, luôn có đông đảo người xem vây kín nhiều vòng quanh khán đài.
Tuy vậy, vì một số lý do ngoài ý muốn, mọi hoạt động của môn boxing tại Việt Nam đã bị cấm liên tục trong 8 năm, từ 1994 đến 2002. Mặc dù vậy, ngay khi được chính phủ cho phép hoạt động trở lại vào năm 2002, boxing nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm của người đam mê.
Đến nay, boxing được tập luyện rộng khắp Việt Nam. Người chơi boxing chủ yếu là giới trẻ, trong đó nam chiếm tỷ lệ lớn hơn nữ. Ngoài ra, cũng có số lượng đông đảo trẻ em được bố mẹ cho theo luyện tập bộ môn này ngay khi đủ điều kiện, nhằm giúp con rèn luyện sức khỏe và sự linh hoạt.
Sự phát triển của boxing Việt Nam còn thể hiện qua rất nhiều những thành tích mà các tay đấm đạt được tại các giải đấu khu vực, thế giới, các kỳ ASIAD và OLYMPIC thế giới.
8. Kick boxing
Khởi xướng từ Nhật Bản, nhưng kick boxing lại là kết quả của sự kết hợp giữa boxing, muay Thái và karate. Trong đó, boxing và muay Thái là hai dấu ấn chính làm nên bộ môn kick boxing.
Bộ môn này du nhập vào Việt Nam từ năm 2009, khá muộn so với những môn võ khác và cả lịch sử phát triển kick boxing của thế giới. Nhưng dựa vào tính ưu việt của nó, kick boxing nhanh chóng len lõi vào khắp mọi ngõ ngách đời sống võ học Việt Nam.
Điểm nổi trội ở kick boxing bao gồm đầy đủ tính chất hào hứng của boxing, đồng thời chứa đựng yếu tố linh hoạt trong các đòn đánh bằng chân. Nó tỏ ra thích hợp với người Việt, những người đã quen sử dụng cả các đòn đánh bằng tay và chân có trong môn võ cổ truyền.
Tại Việt Nam, các câu lạc bộ kick boxing thường được thành lập kèm cùng câu lạc bộ boxing, MMA. Kick boxing tỏ ra thu hút được nhiều nữ giới, và trẻ em luyện tập hơn so với boxing.
9. Judo từ Nhật Bản
Có thể đánh giá judo là môn võ đẹp mắt và chứa đựng đầy giá trị nhân văn của người Nhật. Ngay cả tên gọi cũng đã thể hiện được điều đó, trong đó “ju” có nghĩa nhẹ nhàng và “do” mang nghĩa “cách”.
Như vậy “judo” có thể hiểu là sử dụng những cách đánh nhẹ nhàng, lấy nhu thắng cương. Vì thế, bộ môn này chủ yếu xoay quanh các đòn thế bằng tay, chân như: đè, quật ngã, siết cổ, khóa tay chân. Đồng thời hoàn toàn không sử dụng binh khí trong luyện tập cũng như tấn công đối phương.
Do đó, judo khá an toàn với người tập luyện trong mọi giới tính và độ tuổi. Từ đặc tính đó đã giúp judo trở thành môn võ được nhiều người yêu thích.
Judo vào Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ XX. Đồng phục của võ sinh judo có màu trắng hoặc xanh dương, áo may thành 2 vạt, buộc đai. Đai được chia thành 7 màu tương đương 7 bậc theo cấp độ từ thấp đến cao, gồm: trắng, vàng, cam, xanh lá cây, xanh lam, nâu và đen.
10. MMA – Võ tự do
Thuật ngữ MMA – Mixed Martial Arts được cho là xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Los Angeles Times vào năm 1993, trong bài phân tích của Howard Rosenberg. Nhưng đây không phải là thời điểm mà bộ môn MMA ra đời.
MMA được hiểu là môn võ tự do, mà ở đó cho phép các đấu sĩ sử dụng tất cả các kỹ năng thế mạnh của bản thân, từ nhiều môn võ khác nhau, để dành chiến thắng. Từ cách hiểu này, có thể thấy MMA đã xuất hiện từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Nó bao gồm các cuộc đấu của những võ sĩ đến từ nhiều môn phái võ khác nhau.
Nhưng đến sau năm 1993, khi Ultimate Fighting Championship (UFC) được thành lập, MMA mới được phổ biến rộng rãi ra toàn cầu. Kèm theo đó là những quy tắc, quy định cụ thể cho 1 trận đấu.
Bất kể, MMA có lịch sử xuất hiện lâu đời cùng tốc độ phát triển nhanh chóng, rộng khắp thế giới, tại Việt Nam liên đoàn MMA – VMMAF, chỉ mới chính thức ra đời vào tháng 5 năm 2020. Sau 18 tháng kể từ khi VMMAF ra mắt, giải đấu võ tự do đầu tiên được tổ chức.
Tuy vậy, sự non trẻ này hoàn toàn đi ngược với tình yêu mà người đam mê võ thuật ở Việt Nam dành cho MMA. Các câu lạc bộ MMA nhanh chóng xuất hiện khắp nơi.
Tại một số câu lạc bộ võ cổ truyền, boxing, kick boxing, muay Thái,… MMA cũng được đưa vào luyện tập, và sẵn sàng cho các giải đấu. Người ta kỳ vọng, thời gian tới, MMA Việt Nam sẽ bước ra sàn đấu khu vực và Quốc tế, đồng thời mang huy chương về cho nền thể thao nước nhà.
11. Muay Thái từ Thái Lan
Muay Thái như một niềm tự hào lớn của Thái Lan với lịch sử ra đời từ 2000 năm trước. Đây là môn võ thực chiến cực kỳ mạnh mẽ, nhanh, hiểm hóc, và cực kỳ khắc nghiệt.
Với tiêu chí hạ gục đối phương càng nhanh càng tốt, muay Thái cho phép người chơi sử dụng “tám chi” để ra đòn, bao gồm: chân, tay và cả hai chỏ tay, hai gối chân. Điều này khiến những đòn đánh của muay Thái có độ sát thương vô cùng lớn.
Tuy vậy, việc quá chú trọng vào tấn công đã khiến vấn đề phòng thủ trở thành yếu điểm lớn của muay Thái.
Vì độ khắc nghiệt của môn võ này, đòi hỏi người luyện phải có sức khỏe tốt, độ dẻo dai cao, và khả năng chịu đòn mạnh mẽ. Ngoài ra, việc khổ luyện như yếu tố bắt buộc không thể tách rời đối với mọi võ sĩ khi theo học môn võ này.
Ở Việt Nam, muay Thái bắt đầu du nhập vào từ những năm 1990. Hiện nay, bộ môn này thường xuất hiện trong cùng các câu lạc bộ boxing, MMA, kick boxing.
Mặc dù, đây là môn võ thực chiến mạnh mẽ, hiệu quả. Nhưng độ sát thương lẫn sự khắc nghiệt của nó khiến người yêu võ thuật Việt Nam không dành cho muay Thái nhiều ưu ái.
12. Thái cực quyền từ Trung Quốc
Xuất phát từ Trung Quốc, Thái cực quyền được cho là có lịch sử ra đời khoảng 300- 400 năm trước. Môn võ này được xây dựng dựa trên nguyên tắc âm dương ngũ hành. Đặc trưng dễ thấy nhất của thái cực quyền là những đòn thế uyển chuyển, chậm rãi kết hợp với việc điều hòa hơi thở, luồng khí.
Triết lý cơ bản của Thái cực quyền là: lấy nhu thắng cương; lấy chậm thắng nhanh; lấy tĩnh chế động; dụng ý bất dụng lực, nên động tác liên tục, không dứt; buông lỏng cơ thể để hòa hợp với dòng khí nhằm tạo nên sức mạnh.
Theo nhiều tư liệu lịch sử không rõ ràng, người ta cho rằng thái cực quyền du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20. Và có hai giả thuyết khác nhau về con đường du nhập bao gồm: con đường theo chân của cộng đồng người Hoa di cư. Giả thuyết thứ hai cho là do các võ sư Trung Quốc sang Việt Nam lập võ đường, chiêu sinh truyền dạy.
Bất kể lịch sử du nhập khi nào, từ đâu, với người Việt ngày nay, thái cực quyền là môn võ đẹp và hữu dụng. Lượng lớn người Việt, không phân biệt giới tính, độ tuổi, theo tập Thái cực quyền mỗi ngày. Họ xem đây như môn võ luyện tập sức khỏe thân, tâm hữu hiệu.
13. Vịnh xuân quyền từ Trung Quốc
Môn võ nổi tiếng này xuất phát từ Trung Quốc, và ghi dấu ấn mạnh mẽ trên nền võ học thế giới với hình ảnh của Lý Tiểu Long. Sự bất khả chiến bại của nhân tài võ học Lý Tiểu Long như lời khẳng định mạnh mẽ cho giá trị của Vịnh xuân quyền.
Về cơ bản, Vịnh xuân quyền không có quá nhiều các bài quyền thủ và bài quyền binh khí. Nó cũng không có nhiều các đòn đánh đẹp mắt, phức tạp. Mà điểm cốt yếu của Vịnh xuân nằm ở ý của người luyện. Ý thành đòn thế thành, vì thế môn võ này có tính linh hoạt và sáng tạo rất cao.
Vịnh xuân quyền cũng khá giống Thái cực quyền, khi mà nó đề cao nguyên lý lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh thắng động, đề cao sự uyển chuyển và tốc độ ra đòn. Ngoài ra, vịnh xuân còn khá nổi tiếng bằng những bài tập trên mộc nhân.
Vịnh xuân quyền du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nhiều người tin rằng tôn sư Nguyễn Tế Công là tổ sư của vịnh xuân quyền Việt Nam. Từ những năm 1930, Ông đã thành lập võ quán và truyền dạy bộ môn này cho các môn sinh Việt Nam.
Theo thời gian, vịnh xuân quyền dần khẳng định vị thế của nó trong giới võ học Việt. Hiện nay, có hàng trăm ngàn môn sinh theo luyện tập môn võ này trên khắp cả nước. Bởi nó giúp họ rèn được sức khỏe cả thân, tâm, ý dẻo dai và linh hoạt.
14. Wushu từ Trung Quốc
Wushu là môn võ thuật Trung Quốc hiện đại, nó được xem như hiện thân tiêu biểu nhất của tinh hoa võ thuật Trung Quốc. Sở dĩ như vậy bởi wushu ra đời dựa trên việc tổng hợp những tinh túy của các môn phái võ truyền thống của nước này như: Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang, Thái cực quyền, Vịnh Xuân quyền,…
Từ xuất phát điểm đó, wushu trở thành môn võ biểu diễn vô cùng đẹp mắt, bao gồm cả những bài quyền tay không và bài quyền sử dụng binh khí. Ngoài giá trị biểu diễn, nó đồng thời còn thể hiện khả năng đấu kháng mạnh mẽ thông qua các thế đánh đấm, đá, khóa, siết, quật ngã.
Tại Việt Nam, wushu bắt đầu gia nhập vào từ năm 1989, do công của võ sư Hoàng Vĩnh Giang. Đến năm 1993, tức chỉ sau vài năm ngắn ngủi, wushu Việt Nam đã dành được những huy chương đầu tiên, trong đó có cả huy chương vàng, bạc, đồng, tại Giải Vô địch Wushu thế giới.
Những cái tên tiêu biểu trong làng wushu Việt Nam như Nguyễn Thúy Hiền, Dương Thúy Vi, Đàm Thanh Xuân, Nguyễn Mai Phương, Vũ Trà My,…
Hiện, wushu đang là “mõ vàng” cho nền thể thao Việt Nam tại các giải đấu khu vực và Quốc tế.
15. Aikido từ Nhật Bản
Aikido là môn võ hiện đại của Nhật Bản, được sáng lập bởi tổ sư Ueshiba Morihei. Mục đích chính của Ueshiba khi sáng lập nên môn võ này là giúp người luyện tập có khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công. Đồng thời, sự phòng thủ này phải hướng đến việc bảo vệ cả đối phương khỏi các tổn thương.
Chính tư duy đó đã làm cho môn võ Aikido trở thành môn võ giàu tình thương hay tính nhân văn. Cũng vì thế, các đòn thế chính của nó chủ yếu xoay quanh các chiêu thức quật ngã, ném và khóa khớp.
Aikido còn là môn võ hiếm hoi không tồn tại các giải đấu tranh tài. Thay vào đó, các môn sinh sẽ luyện tập cả thể chất lẫn tinh thần để đạt được sự kiên nhẫn, lấy hòa hợp để giải quyết các mâu thuẫn và hạn chế đến cùng việc xảy ra các cuộc xung đột.
Aikido du nhập vào Việt Nam từ năm 1958 và sau đó phát triển ra cả nước. Người có công đầu trong việc truyền thụ Aikido ở Việt Nam là võ sư Đặng Văn Phát.
Ngày nay, Aikido được rất nhiều người Việt yêu thích bởi tính nhân văn cao cả của môn võ này. Tập luyện Aikido không chỉ nhằm mục đích tự vệ, mà nó còn giúp các môn sinh nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Tăng cường khả năng kết nối trong cộng đồng, và rèn cho bản thân tình yêu thương ngày càng lớn hơn.
Có thể thấy rằng, võ thuật ở Việt Nam rất đa dạng từ nhiều môn phái khác nhau, từ trong nước và ngoài nước du nhập vào. Trong đó, võ cổ truyền và vovinam được nhiều người ưu ái vì phù hợp với thể trạng và tính cách của người Việt.
Đặc biệt nhận thấy rằng, các môn võ từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, phần lớn đến từ Nhật Bản và Trung Quốc. Có lẽ do vị trí địa lý và các quốc gia này cũng là nơi sản sinh ra nhiều môn phái phù hợp với người Việt Nam.