Những điều nên làm và không nên làm đối với khách du lịch khi đến Việt Nam

Bạn của bạn đang lên kế hoạch du lịch Việt Nam! Bạn ấy lo lắng về những gì nên và không nên làm để dễ dàng hòa nhập vào văn hóa và đời sống thường nhật tại đây. Đây là những câu trả lời cơ bản nhất sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc cho người bạn của bạn.

ve dep viet nam
Vẻ đẹp cuộc sống đời thường

A. Những điều không nên làm ở Việt Nam

Khi gặp một đứa trẻ trông đáng yêu, bạn không nên khen chúng với những mỹ từ như: đáng yêu, xinh đẹp, múp míp, mập mạp, … Có vẻ như nhiều người cho rằng điều này trông trái với quy tắc giao tiếp. Trên thực tế cuộc sống Việt Nam, nó lại trở nên hợp quy. Bởi theo quan niệm của hầu hết các bà mẹ Việt, việc khen con của họ béo, đẹp có thể mang lại điềm xui cho đứa trẻ. Những rắc rối có thể đến sau lời khen như ốm đau, biếng ăn, … Vì quan niệm đó, tốt hơn hết bạn không nên khen bất kỳ đứa trẻ nào mà bạn nhìn gặp nhé!

– Mặc đồ quá ngắn khi thăm viếng đền, chùa, địa điểm tâm linh là việc không nên: Với người Việt, những địa chỉ ngày được xem là nơi tôn nghiêm. Do đó, để đảm bảo sự tôn trọng, bạn nhớ không nên mặc những bộ cánh ngắn, hở lộ da thịt, hay thiếu lịch sự khi đến các địa điểm này.

– Không ngồi quá lâu trong các nhà hàng địa phương: Người Việt chỉ đến nhà hàng để thưởng thức món ăn. Khi cần có không gian để ngồi cùng nhau hay trao đổi một vài vấn đề, họ sẽ đến các quán cà phê hoặc quán nhậu. Vì vậy, việc ngồi quá lâu trong nhà hàng địa phương thường không nhận được sự hài lòng của chủ quán. Nếu bạn cần ngồi lâu hơn để trao đổi một vài điều gì đó, hãy đến quán cà phê hoặc đến nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch.

– Đừng hỏi về những vật phẩm phong thủy mang tính trấn yểm, được người Việt treo trong nhà, như bùa giấy hoặc gương bát quái dán trước cửa: Theo quan điểm Á Đông, mỗi ngôi nhà được xây nên đều cần tuân theo những quy tắc phong thủy nhất định. Nếu không may, ngôi nhà phạm phải một vài điểm xấu nào đó, họ sẽ sử dụng các vật phẩm phong thủy để hóa giải, trấn yểm, hoặc trừ tà. Và họ thật sự không muốn bất kỳ ai hỏi về những món đồ đó. Bởi, họ quan niệm độ linh nghiệm của vật trấn yểm sẽ bị giảm sút nếu có ai đó hỏi về nó.

– Không mang theo hoa khi đến thăm những gia đình vừa mới sinh em bé: Người Việt quan niệm rằng hoa vừa mang lại nhiều sắc màu may mắn, tươi mới. Nhưng đồng thời nó cũng là lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng, tưởng niệm người đã mất. Khi một người phụ nữ sinh con, họ đối diện rất nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bất kể hành động nào tạo liên tưởng đến cái chết đều bị kiêng cử. Việc mang hoa đến nhà một người vừa xinh em bé cũng vì thế mà trở thành một điều cấm kỵ. 

– Không nên đeo nhiều đồ trang sức khi ra ngoài: Vấn đề này không liên quan đến bất kỳ một quan niệm mang yếu tố văn hóa hay tâm linh nào. Mà đơn giản là vì sự an toàn của chính bạn. Khi bạn mang quá nhiều vật giá trị trên người, bạn có thể trở thành đối tượng nhắm đến của các thành phần xã hội bất hảo. Do đó, để tránh bị cướp giật hay móc túi, bạn chỉ nên mang những món trang sức thuần giá trị về mặt thẩm mỹ mà thôi.

– Cẩn thận trước món đá lạnh: Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, mùa đông không quá lạnh trong khi mùa hè nắng nóng kéo dài. Vì thế, đá lạnh trở thành phụ liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn thức uống thú vị, như: chè, nước mía, nước giải khát, bia, cà phê,… Tuy vậy, chúng tôi khuyên bạn nên cẩn thận trước vấn đề an toàn vệ sinh của loại thực phẩm này. Điều này sẽ chiếc bụng của bạn tránh được một số rắc rối không đáng trong chuyến đi của mình.

– Không nói xấu người Việt, hay phong tục nào đó của người Việt trước một người Việt: Điều này tỏ ra thích hợp với mọi quốc gia, hay dân tộc, không riêng gì Việt Nam. Nhưng ở đây có điều thú vị riêng, khi mà người Việt thi thoảng vẫn có thói quen nói xấu lẫn nhau. Tuy vậy, họ lại không chấp nhận lời nói xấu dành cho bất kỳ người Việt nào từ một người nước ngoài. Nên nếu bạn vô tình đứng giữa hai người Việt đang nói xấu về nhau, tốt hơn hết, bạn nên tránh xa khỏi cuộc đàm thoại này nhé.

Tránh thanh toán bằng tiền mệnh giá lớn cho những khoản thanh toán nhỏ: Dù món hàng bạn chọn mua là gì, có giá cao hay thấp đều được người bán chào đón. Tuy vậy, việc sử dụng đồng tiền có mệnh giá lớn như 500.000vnđ hay 200.000vnđ để thanh toán cho khoản nhỏ từ 10.000vnđ đến dưới 50.000vnđ lại khiến cho người bán cảm thấy khó chịu, phiền hà. Có lẽ, họ không thích phải tính toán và trả lại cho bạn lượng tiền thừa lớn, bởi việc làm này dễ gây ra nhầm lẫn, lộn xộn.

– Đừng hỏi về quan điểm chính trị bởi nó có thể dẫn đến những tranh cãi không cần thiết: Mỗi cá nhân, dân tộc, đất nước đều có quan niệm riêng về vấn đề chính trị. Có thể, bạn khá tò mò về chế độ chính trị tại đất nước bạn đang đến thăm. Tuy vậy, để mọi khoảnh khắc trong kỳ nghỉ của bạn đều thú vị, bạn nên tránh hỏi quá sâu về vấn đề này với bất kỳ người bản địa nào. 

– Cờ tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng thiêng liêng của người Việt. Vì vậy, khi du lịch đến Việt Nam, bạn đừng bao giờ có bất kỳ hành động thiếu tôn trọng nào trước lá cờ tổ quốc và hình ảnh Hồ Chí Minh. Nó không chỉ khiến bạn phải đối diện những ánh nhìn, lời nói khó nghe từ người dân, mà còn phải gặp rắc rối với chính quyền sở tại.

B. Những điều nên làm

– Mang theo một món quà nhỏ khi đến thăm nhà người khác: Điều này là không bắt buộc. Tuy nhiên, một món quà nhỏ, như: bánh kẹo, socola để tặng trẻ em, hoặc gói trà ngon, giỏ trái cây tươi dành biếu người lớn tuổi, khi bạn đến thăm nhà một người Việt luôn là điều nên làm. Món quà như cách thể hiện sự quan tâm của bạn đến các thành viên trong gia đình mà bạn ghé thăm. Nó không chỉ mang lại niềm vui cho gia chủ, mà còn thể hiện sự lịch thiệp của bạn. 

– Hỏi giá trước tất cả các dịch vụ từ nhà hàng đến taxi: Dù rằng tình trạng nâng giá, chặt chém, lừa gạt đang ngày càng được kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền địa phương. Nhưng thỉnh thoảng, vẫn còn vài trường hợp bất hảo, lợi dụng sự bỡ ngỡ của du khách để thực hiện hành vi thu lợi nhuận bất chính. Để không phải trải nghiệm cảm giác khó chịu khi bị lừa gạt, tốt hơn hết bạn nên hỏi giá tất cả các dịch vụ mà bạn muốn sử dụng. Tất nhiên, bạn cũng có quyền lựa chọn dùng hoặc không dùng bất kỳ dịch vụ nào nếu cảm thấy giá cả không hợp lý.

– Nếu được mời đến một bữa tiệc, nên ngồi vào vị trí mà chủ nhà muốn bạn ngồi: Theo truyền thống của người Việt, vị trí ngồi trên bàn tiệc thường thể hiện vai trò, vị trí của người đó trong gia đình. Chẳng hạn những người già, lớn tuổi, người có vị thế lớn trong gia đình, giòng họ thường ngồi ở bàn có vị trí trang trọng nhất. Ngược lại, con cháu sẽ ngồi ở vị trí xa hơn. Vì thế, để chắc chắn rằng vị trí ngồi của mình không gây hiểu lầm, bạn nên hỏi chủ nhà về nơi mình có thể ngồi hoặc ngồi tại ghế mà chủ nhà gợi ý cho bạn.

– Xin phép người mà bạn đang muốn chụp ảnh trước khi chụp ảnh họ hay khung cảnh ngôi nhà riêng của họ: Nhiều người không muốn bạn chụp ảnh họ, vì thế, nếu bạn muốn chụp một bức ảnh về đối tượng nào đó, bạn cần xin phép chủ nhân của đối tượng đó. Pháp luật Việt Nam đã có quy định về xâm phạm hình ảnh cá nhân, đặc biệt hình ảnh trẻ em. Nên việc xin phép trước khi chụp ảnh là việc bạn nên làm. 

– Mang theo một ít tiền mặt: Ngày nay, các loại thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Tuy vậy, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn đang còn chiếm ưu thế. Đặc biệt, tại các khu chợ, gian hàng buôn bán, giao dịch nhỏ,… người dân vẫn ưu tiên sử dựng tiền mặt để thanh toán. Nên việc bỏ một ít tiền mặt trong túi sẽ là hữu ích trong hành trình du lịch tại Việt Nam của bạn.

– Trả giá khi mua một món hàng nào đó ở chợ nhưng không nên trả giá cho những món hàng nhỏ có giá dưới 20.000vnđ, như chai nước lọc, túi bánh nhỏ: Hầu hết các mặt hàng bày bán ở chợ Việt Nam, đều được chủ quầy hàng đưa ra mức giá cao hơn giá thực của nó. Mục đích là để hoạt động trả giá diễn ra như một nếp văn hóa không thể thiếu. Nó đồng thời mở ra cơ hội để người mua, người bán giao tiếp nhiều hơn với nhau.Cho dù người mua là khách du lịch hay người bản địa, nếu muốn mua được với mức giá tốt bạn phải học cách trả giá. 

Thế nhưng, với các món hàng nhỏ có giá dưới 20.000vnđ như chai nước lọc hay gói snack, bạn lại không nên trả giá. Thường thì mức giá người bán đưa ra cho những món hàng này là mức giá họ muốn bán. Nếu bạn cảm thấy không hợp lý, bạn có thể chọn quầy hàng khác.

– Kiểm tra cẩn thận mệnh giá đồng tiền trước khi thanh toán để tránh nhầm lẫn giữa các đồng tiền có mệnh giá khác nhau: Đồng tiền Việt Nam có những tờ mang mệnh giá cách xa nhau nhưng diện mạo lại rất giống nhau. Chẳng hạn tờ tiền có mệnh giá 20.000vnđ trông rất giống tờ tiền mệnh giá 500.000vnđ. Hoặc tờ tiền 10.000vnđ lại có màu sắc thoạt nhìn tương tự mệnh giá 200.000vnđ. 

Ngoài ra, đồng tiền Việt Nam có quá nhiều số “0”, nó dễ gây nhầm lẫn cho những du khách lần đầu sử dụng. Sự nhầm lẫn giữa mệnh giá 10.000vnđ với 100.000vnđ xãy ra thường xuyên bởi sự khác nhau ở một số “0”. Do đó, kiểm tra cẩn thận tờ tiền mà bạn dùng luôn là cần thiết. Đặc biệt với những tờ mang mệnh giá lớn như 500.000vnđ, bạn nên cất riêng nó để tránh nhầm lẫn khi cần sử dụng.

– Bỏ giày trước khi vào nhà: Người Việt không có thói quen mang giày, dép vào nhà. Có thể một vài người sẽ không nói gì, nhưng hầu hết họ đều không thích khi bạn mang giày, dép vào nhà của họ. Nên, hãy nhớ cởi giày, dép của bạn ra trước khi bước vào nhà ai đó nhé.

Với những điều nên và không nên mà chúng tôi vừa lưu ý, tin rằng bạn sẽ tự tin hòa nhập vào nền văn hóa khi du lịch đến đất nước Việt Nam. Bạn sẽ có kỳ nghĩ tuyệt vời tại đây và liên hệ với chúng tôi khi cần hỗ trợ thêm bất kỳ điều gì.


 

 / 

Sign in

Send Message

My favorites