Hoàng Thành Thăng Long: Nơi chứa đựng giá trị lịch sử của Hà Nội
Di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng của Việt Nam. Di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, bắt đầu từ hơn 1000 năm trước. Và là lời khẳng định có từ xa xưa về một Hà Nội phồn vinh hôm này.
1. Khám phá di tích văn hóa lịch sử
Chắc chắn những dấu ấn văn hóa, lịch sử có từ ngàn năm trước luôn là giá trị hàng đầu mà điểm di tích Hoàng thành Thăng Long mang đến cho du khách.
Các công trình chính còn lại bên trong Hoàng thành Thăng Long để du khách tham quan, tìm hiểu, gồm:
1.1. Cổng Đoan Môn:
Công trình này là một trong những cổng chính dẫn vào bên trong Cấm thành Thăng Long xưa. Nhiều tư liệu lịch sử cho rằng, cổng Đoan Môn này được xây dựng vào thế kỷ XV, dưới thời Lê sơ, và được triều Nguyễn trùng tu vào thế kỷ XIX.
Ngày nay, nơi đây có thể được xem như điểm bắt đầu trong hành trình khám phá di tích Hoàng thành Thăng Long. Hiện đây là công trình hoành tráng, rộng lớn nhất trong số những công trình còn lại tại di tích Hoàng thành Thăng Long.
Sự tồn tại của cổng Đoan Môn trở thành minh chứng lịch sử thật, nguyên vẹn về quy mô, kiến trúc, nghệ thuật của một cổng thành được xây dựng dưới triều đại phong kiến Việt Nam cách chúng ta trên dưới 600 năm.
1.2. Cột cờ Hà Nội:
Đứng tại tầng lầu thứ hai của cổng Đoan Môn, quay mặt về phía Nam, bạn sẽ nhìn thấy rõ nét oai hùng, vững chãi của Kỳ Đài Hà Nội.
Đây là một trong số ít công trình quan trọng được xây dựng tại Hà Nội vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Và là công trình đánh đấu điểm khởi đầu ở cực Nam của Hoàng thành Thăng Long.
Sau nhiều biến động lịch sử, cột cờ Hà Nội vẫn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn như ban đầu. Vững vàng, uy nghi, với lá cờ đỏ sao vàng chứa đựng niềm tự hào dân tộc của người Việt.
1.3. Điện kính thiên:
Khu vực này trước đây là nơi cử hành những nghi lễ lớn của hoàng cung, tiếp đón sứ giả, và thiết triều bàn bạc các công việc quốc gia đại sự.
Công trình được xây dựng từ năm 1428, dưới thời vua Lê Thái Tổ. Đến nay, sau nhiều biến cố và thời gian, công trình chỉ còn lại phần nền móng. Cùng với những bậc thềm đá và rồng đá.
Quả thật, nếu bạn không gắn vào đây ý niệm về thời gian, và không gian, địa điểm này tỏ ra không có gì cuốn hút. Nó trông chỉ đơn thuần như một nền móng cũ.
Nhưng khi gắn vào đó ý niệm về 600 năm trước, tại đây có lẽ đã từng tồn tại một tòa công trình hoành tráng, hoa lệ. Đặc biệt, hai đôi rồng được điêu khắc từ đá nguyên khối, đã khẳng định nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Việt xưa.
1.4. Nhà hầm D67:
Trong khuôn viên Hoàng thành còn có sự góp mặt của di tích nhà hầm D67.
Di tích này được xây dựng vào năm 1967, là trụ sở làm việc bí mật của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh.
Bên trong nhà hầm có phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, văn phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, văn phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ngoài ra, còn có tầng hầm kiên cố nằm sâu dưới lòng đất, dùng làm nơi ẩn tránh bom mìn.
Hiện, bên trong tòa nhà D67 có trưng bày một số hình ảnh, sổ sách, hiện vật gắn liền với lịch sử hoạt động, đấu tranh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong thời gian đặt trụ sở tại đây.
1.5. Khu Hậu Lâu:
Trước kia, công trình này là nơi sinh sống của các phi tần, hoàng hậu, công chúa. Đến cuối thế kỷ 19, công trình đã được người Pháp trùng tu lại, và có diện mạo như hiện tại.
Kiến trúc tòa nhà Hậu Lâu trông khá lạ, và bí ẩn. Mặc dù đây là tòa nhà kiên cố, có quy mô 3 tầng đồ sộ, cùng hệ mái được trang trí, chạm đắp công phu. Nhưng dưới góc nhìn của người viết, tòa nhà gần như bị bít kín bởi các bức tường dày.
Lối đi và các gian phòng bên trong nhỏ hẹp, tối, cảm giác bức bí. Nó hoàn toàn không chứa đựng những dấu ấn thường thấy trong các cung điện. Thay vào đó, là cảm giác lạnh lẽo, tối ẩm như một lãnh cung.
1.6. Cửa Bắc:
Cửa Bắc hay còn gọi Chính Bắc Môn, là cửa chính ở phía Bắc của Hoàng thành. Được xây dựng vào năm 1805, dưới thời nhà Nguyễn, và là cổng thành duy nhất được xây dựng trong thời kỳ này còn tồn tại cho đến ngày nay.
Cửa Bắc trở thành nơi chứa đựng giá trị lịch sử, bởi những vết sờn của thời gian và chiến tranh còn in dấu trên nó.
Đi một vòng quanh điểm di tích này, du khách có thể hình dung được độ kiên cố và tráng lệ của tòa thành xưa.
Ngày nay, cửa thành cổ này như nét chấm phá hay vệt thời gian còn đọng lại, tạo nên màu sắc sâu lắng cho bức tranh cuộc sống hiện đại sôi động.
2. Cung cấp cái nhìn đầy hứng thú cho những người đam mê lịch sử và khảo cổ
Với du khách đam mê khảo cổ và tìm hiểu về lịch sử, di tích Hoàng thành Thăng Long sẽ mang đến cho bạn nhiều giá trị lớn lao. Bởi địa điểm này là nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử kéo dài và tiếp diễn liên tục từ 1000 năm trước và xa hơn thế cho đến nay.
Bắt đầu từ năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về địa điểm này. Vua cho xây dựng kinh thành tại đây và đặt tên Thăng Long.
Từ đó đến nay, trãi qua hơn 1000 năm với nhiều thay đổi, kế tục liên tục từ triều Lý - Trần – Lê – Nguyễn đến thời hiện đại, Thăng Long luôn khẳng định và giữ vững vai trò vị trí trọng yếu của nó.
Đã có rất nhiều các cuộc khai quật, khảo cứu diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Nhiều kết quả, di vật quý giá được thu về. Du khách có thể tìm hiểu, chiêm ngưỡng chúng tại các khu vực trưng bày bên trong khuôn viên Hoàng thành.
Đặc biệt, tại khu vực 18 Hoàng Diệu, một khu vực khảo cổ và không gian trưng bày di vật độc đáo dành cho du khách tham quan, tìm hiểu. Tại đây phát lộ lên nhiều tầng di tích xếp chồng lên nhau, từ Lý - Trần – Lê - Nguyễn.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều di vật thu được tại di tích này có niên đại từ thế kỷ thứ VII - IX, dưới thời Đại La, và thế kỷ IX – X, thời Đinh và Tiền Lê.
Hiện, công tác khai quật, khảo cứu vẫn đang tiếp diễn, kỳ vọng sớm thu được nhiều kết quả chứng minh bề dày lịch sử của thành Thăng Long. Bắt đầu từ thành Đại La thế kỷ VII đến nay.
3. Hoàng Thành Thăng Long nổi bật với hình tượng rồng
Điều thú vị không kém mà du khách có thể tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là dấu ấn hình tượng Rồng.
Rồng xuất hiện khá nhiều, từ bức tượng rồng điêu khắc trên đá nguyên khối ở bậc thềm điện Kính Thiên. Đến những bức phù điêu, ngói nóc, hình trang trí trên chén, đĩa, ly tách, vật dụng, được trưng bày trong khu trưng bày, khảo cổ.
Điểm thú vị là biểu tượng rồng ở đây không hoàn toàn giống nhau qua các triều đại khác nhau. Chẳng hạn, rồng thời Lý có thân hình mềm mại, uyển chuyển, chân có 3 móng, trên đầu có mào lửa và không có sừng.
Rồng thời Trần bắt đầu có sừng và khỏe khoắn hơn. Đến thời Lê, rồng có vảy, chân 5 móng, mũi sư tử, đuôi hình mũi mác.
Với sự xuất hiện thường xuyên của biểu tượng Rồng, càng khẳng định mức độ phồn thịnh, hùng mạnh của kinh đô Thăng Long xưa.
Người viết luôn bị thu hút bởi rất nhiều biểu tượng rồng có tại Hoàng thành Thăng Long. Mỗi bức phù điêu, chạm khắc không chỉ chứa đựng giá trị nghệ thuật tinh xảo, phản ánh độ điêu luyện, khéo léo của người nghệ nhân xưa. Mà còn chứa đựng linh hồn dân tộc Việt qua mỗi triều đại.
Dành thời gian cho biểu tượng rồng có tại Hoàng thành xưa, du khách sẽ nhận ra rất nhiều những giá trị ẩn chứa trong nó. Bao gồm cả giá trị nghệ thuật và văn hóa, tư tưởng.
Ngoài ra, khi tham quan Hoàng thành Thăng Long, bạn còn có cơ hội thư giản trong bầu không khí trong lành, rộng lớn, phủ bóng cây xanh. Giữa thủ đô sôi động, không gian xanh rộng lớn tại đây trở nên vô cùng tuyệt vời, quý giá.
Tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hóa lịch sử tại đây, sẽ góp phần giúp bạn hoàn thiện cái nhìn chân thực về lịch sử, tiến trình phát triển của nhân loại. Làm phong phú hơn những mảnh ghép về lịch sử của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới trong bạn.
-
Điểm chụp ảnh
-
Lịch sử & văn hóa
-
Cho phép chụp ảnh
-
Có bãi đậu xe