Áo dài như một biểu trưng gắn liền với vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Có thể khẳng định, tất cả những tinh tế, duyên dáng, dung hạnh của người phụ nữ Việt đều được gói gọn và thể hiện trọn vẹn qua bộ trang phục truyền thống của họ. Là một người phụ nữ mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, không ai không mong muốn được khoát lên mình tà áo dài thướt tha.
1. Lịch sử hình thành nên chiếc áo dài
Có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc ra đời của chiếc áo dài, như: áo dài có nguồn gốc từ áo Tứ thân. Hay nguồn gốc cổ xưa nhất của áo dài là áo Giao Lĩnh. Cũng có người khẳng định áo dài bắt nguồn bằng sự biến đổi từ áo Ngũ thân hoặc Ngũ thân lập lĩnh.
Bất kể là giả định nào đi nữa, có một điều chắc chắn rằng chiếc áo dài mà người phụ nữ Việt Nam ngày nay đang khoát lên mình có phiên bản trọn vẹn đầu tiên từ thiết kế của họa sĩ Lê Phổ. Dựa trên nền tảng chiếc áo dài Lemur do họa sĩ Lemur- Cát Tường tạo ra từ những năm cuối thập niên 30 thế kỷ XX, Lê Phổ đã cho ra đời phiên bản áo dài Lê Phổ. Thiết kế lúc này đã có kích thước thu nhỏ ôm gọn cơ thể người mặc, tà áo chạm đất và màu sắc tinh tế, mới mẻ, gợi cảm.
Đến năm 1960, áo dài Raglan- Giắc lăng, xuất hiện từ nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn đã nhanh chóng chiếm được sự yêu thích của người mặc. Đây là phiên bản được nâng cấp từ áo dài Lê Phổ. Áo dài Raglan ôm khít cơ thể hơn, tay áo có thiết kế linh hoạt, khuy áo được thay bằng hàng nút bấm ở bên hông. Cũng bắt đầu từ đây, kiểu dáng của chiếc áo dài được định hình và trở thành trang phục truyền thống hoàn hảo của người phụ nữ Việt Nam.
2. Áo dài Việt Nam – nơi gói gọn nét duyên người phụ nữ
Nếu như cần dùng một hình ảnh nào đó để thể hiện cái duyên, cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam thì có lẽ chiếc áo dài là lựa chọn hoàn hảo nhất.
Một bộ áo dài truyền thống trọn vẹn bao gồm hai phần chính: Áo và quần. Tuy nhiên, vì thiết kế của chiếc áo sẽ quyết định toàn bộ tính thẩm mỹ của bộ trang phục nên người ta vẫn quen gọi là Áo dài.
Thiết kế gốc của chiếc áo dài bao gồm phần thân trên ôm sát cơ thể người mặc. Cổ cứng và cao. Tay dài ôm khít cánh tay. Hàng nút bấm chạy dọc từ cổ áo sang nách và kéo đến eo. Hai vạt áo trước và sau dài chấm đất. Chiếc quần đi cùng có form ống rộng, dài quá vạt áo, tông màu linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa với màu sắc áo. Cả áo và quần đều được may bằng chất vải nhẹ, mềm mại, óng ả, màu sắc tươi sáng, như vải gấm, lụa, nhung, …
Với thiết kế ôm khít trên nền chất liệu mềm mịn, áo dài tôn rõ từng đường cong quyết rũ của người phụ nữ. Trong khi đó, phần cổ áo đứng như cách để người mặc khoe chiếc cổ cao, tròn. Đôi vạt áo buông dài bay nhẹ theo từng bước đi tạo ấn tượng về sự duyên dáng, uyển chuyển.
Mặc dù, áo dài vô cùng quyến rũ, làm toát lên tất cả vẻ đẹp cuốn hút đầy quyền lực của phụ nữ, nhưng lại hết sức kín đáo. Người mặc gần như không để lộ ra bên ngoài bất kỳ một phần da thịt nhạy cảm nào.
Từ đây có thể thấy, chiếc áo dài như nét duyên người phụ nữ Việt. Nó không chỉ nâng tầm vẻ đẹp gợi cảm, quyến rũ của hình thể, mà đồng thời hết sức kín đáo, dịu dàng, thanh lịch. Là đại diện cho mẫu phụ nữ vừa biết thể hiện cái đẹp ở diện mạo bên ngoài, vừa đề cao giá trị tâm hồn, cốt cách Á Đông bên trong. Những người mẹ, người chị đằm thắm, hiền thục, tôn trọng nền tảng đạo đức và sự nhân văn.
3. Những biến tấu cách tân từ áo dài truyền thống
Điều độc đáo không kém làm nên sức quyến rũ của chiếc áo dài Việt Nam là khả năng biến tấu, cách tân vô cùng lớn dựa trên bộ óc sáng tạo của nhà tạo mẫu.
Có nhiều mẫu cách tân đang được ưa chuộng như:
– Mẫu cách tân phổ biến nhất là sử dụng các loại hoa văn, phụ kiện đính lên áo. Hoa văn này có thể có ngay trên chính tấm vải được chọn để may áo dài. Một số khác sử dụng cách in hoặc thêu thêm lên trên vạt áo các hình tượng, mẫu vật mà mình yêu thích. Nó có khi là đôi chim, rồng, phụng, phong cảnh non sông danh thắng tươi đẹp hay chỉ đơn giản như vài bông hoa. Số khác lại thích đính kết các loại phụ kiện từ đơn giản đến đắt giá, như ngọc trai, đá quý lên các vị trí khác nhau trên áo.
– Mẫu cách tân thường thấy khác là sự thay đổi ở vạt áo. Tùy vào mục đích và không gian xuất hiện mà vạt áo có nhiều biến tấu khác nhau. Tại các buổi trình diễn liên quan đến thời trang, cuộc thi nhan sắc, vạt trước áo dài sẽ được mở rộng theo chủ đích người thiết kế. Trong khi đó, phần vạt sau có thể đồng thời mở rộng và kéo dài tạo nên phần đuôi độc đáo.
Với những bộ áo dài cách tân dạo phố, phần vạt áo thường được thu nhỏ và cắt ngắn đến ngang đầu gối. Phiên bản thay đổi này nhằm tạo sự linh hoạt cho người mặc và thường được giới trẻ yêu thích lựa chọn.
Thỉnh thoảng cũng xuất hiện các kiểu vạt trước được xẻ đôi tạo thành hai vạt đơn gép lại. Hoặc vạt kép gồm một vạt kín bên trong và hai vạt đơn tạo điểm nhấn ở bên ngoài.
– Phiên bản cách tân ở phần quần: Cùng với sự thay đổi của vạt áo, chiếc quần bên trong cũng có nhiều thay đổi thú vị. Với mẫu áo dài có phần vạt thu ngắn thường sẽ được các bạn trẻ phối cùng các loại quần bó gọn như quần Jeans, Kaki.
Một số khác lại thay thế quần thành chân váy xòe. Lúc này, cả bộ áo dài sẽ chỉ dài qua đầu gối chân mà không còn chạm đất như áo dài truyền thống. Đây cũng là mẫu cách tân được giới trẻ Việt yêu thích vì sự linh động, gọn gàng nhưng không kém phần kín đáo, duyên dáng.
– Mẫu áo dài cách tân bao gồm những biến đổi ở phần tay áo cũng được ưa chuộng không kém. Tay áo có thể được tạo phồng ở vai và bắp tay cho những nàng có bắp tay to. Thỉnh thoảng, tay áo chỉ dài đến ngang khuỷu tay nhằm tạo cảm giác linh hoạt. Mẫu biến tấu khác lại kéo dài phần tay áo đến quá đầu gối chân với phần xẻ bắt đầu từ bắp tay.
– Biến tấu phổ biến cuối cùng, và có tần số xuất hiện khá cao, được thực hiện trên phần cổ áo. Từ chiếc cổ áo cứng và cao, tùy vào sở thích và phom dáng người mặc mà có thể thay đổi thành cổ xẻ sâu, cổ tim, cổ thuyền, cổ tròn hoặc hở vai.
Những thay đổi đầy sức sáng tạo trên càng mang chiếc áo dài đến gần hơn với đời sống thường nhật của người phụ nữ Việt. Đồng thời, nó cũng giúp nâng tầm chiếc áo dài lên một vị thế mới trong nền thời trang đang phát triển không ngừng ngày nay. Tuy vậy, bất kể sự cách tân bay bổng đến đâu, chiếc áo dài vẫn giữ được dáng vẻ thướt tha, duyên dáng vốn có. Khoát lên mình chiếc áo dài, tất cả những đường cong, nét quyến rũ, quý phái của người phụ nữ sẽ được tôn lên thành biểu trưng của cái đẹp và nghệ thuật.
4. Áo dài thường xuất hiện trong bối cảnh nào
Áo dài xuất hiện ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự tiện lợi trong các hoạt động hàng ngày, Áo dài thường chỉ được sử dụng làm thời trang dạo phố, lễ chùa, nơi trường học, công sở hoặc với mục đích khoe vóc sắc. Ngoài ra, trong một vài tính huống, áo dài bắt buộc, như:
– Tại trường học: Giáo viên nữ ở hầu khắp các trường học tại Việt Nam đều tuân thủ quy định về việc mặc áo dài theo lịch cố định trong tuần. Đối với nữ sinh khi bước vào cấp học phổ thông trung học, áo dài trắng là đồng phục bắt buộc. Đây có thể xem như một trong các quy định giúp hình thành nên phong cách thanh lịch cho nữ sinh trước thềm trưởng thành.
– Trong các công sở, công chức nữ cũng cần tuân theo quy định về lịch mặc áo dài ở một số ngày nhất định trong tuần, tháng và năm. Đặc biệt, tại các sự kiện quan trọng của chính quyền địa phương hay chính phủ, áo dài được mặc định là trang phục thường ngày không thể thay thế của công chức nữ.
– Áo dài xuất hiện trong các nghi lễ truyền thống quan trọng của người Việt, chẳng hạn: đám cưới, lễ chùa, ngày Tết hay các buổi lễ cúng tế trang trọng. Trong đó, ở hầu hết các đám cưới, áo dài là lễ phục bắt buộc của cô dâu cũng như những người tham dự lễ chính. Phụ nữ khi dự tiệc cưới có thể linh động chọn áo dài hoặc các loại áo quần lịch thiệp khác. Tuy vậy, áo dài vẫn được ưu ái lựa chọn cho sự kiện đặc biệt này.
Ngoài ra, tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ như điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn, … nữ nhân viên thường lựa chọn áo dài làm đồng phục chính. Họ, đồng thời, sẽ nhận được các bộ áo dài đồng phục từ ông chủ như cách gia tăng độ lịch sự, duyên dáng và sang trọng cho nơi làm việc.
Du lịch đến Việt Nam, du khách sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh nhiều chị em xúng xính trong những tà áo dài đa dạng về màu sắc và biến tấu, vui vẻ dạo phố hay tạo dáng chụp ảnh trước những phong cảnh đẹp. Đặc biệt, ở các cổng trường phổ thông trung học, giờ tan trường là lúc có thật nhiều tà áo dài trắng vô tư cười đùa, tung tăng bước xuống phố làm nên phong cảnh đẹp đến nao lòng.
Cùng với sự phát triển của đất nước, ngày nay, áo dài Việt Nam đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Tại các buổi trình diễn thời trang, trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hay những cuộc thi sắc đẹp. Và dù ở bất kỳ đâu, tà áo dài thước tha luôn chiếm được thật nhiều cảm tình của người nhìn, người mặc.
Mỗi khi đến với đất nước Việt Nam yên bình, bạn bè quốc tế vẫn thường chọn mua hoặc đặt may cho mình một bộ áo dài như mẫu vật kỷ niệm tươi đẹp. Du khách cũng có thể mang các bộ áo quần truyền thống duyên dáng này về làm quà cho những đứa trẻ yêu thương trong gia đình. Chắc chắn, đó sẽ là món quà được chờ đợi và nâng niu.