Bún bò Huế là một trong những món ăn địa phương đặc sắc, mang đậm hương vị độc đáo riêng biệt của vùng đất Cố đô Huế. Sức cuốn hút của món ăn đã được khẳng định bằng sự có mặt của nó tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Không chỉ vậy, nhiều du khách còn cho rằng đến Huế chưa ăn bún bò Huế xem như chưa nếm hết vị ngon của món ăn địa phương.
Nội dung:
- Đặc điểm nổi bật để bún bò Huế ngon
- Nguồn gốc món bún bò Huế
- So sánh bún bò Huế và phở
- Cách nấu bún bò Huế
1. Đặc điểm nổi bật để Bún bò Huế ngon
Bí quyết để có tô bún bò Huế đúng chất, không thể tìm thấy tại bất kỳ địa phương nào khác, bước đầu tiên cần lưu tâm chính là nồi nước lèo.
Người nấu phải chọn loại xương bò tươi ngon nhất, mang đi hầm nhiều giờ để có được nồi nước dùng giàu protein và mang vị ngọt đậm đà.
Khi đã có nồi nước dùng đạt chuẩn, đầu bếp tiếp tục kết hợp với nhiều loại nguyên liệu được tuyển chọn cẩn thận, gồm: thịt giò lợn, chả cua tươi, hành tây, sả, thơm, gia vị thông dụng và đặc biệt không thể thiếu nước mắm cùng vài thìa ruốc.
Tuy nhiên, rất nhiều đầu bếp chuyên món bún bò khẳng định, điểm cốt yếu để bún bò Huế ngon nhất khi ăn tại Huế nằm ở nguồn nước được sử dụng để nấu bún. Chỉ có sử dụng những giọt nước sạch được lấy từ thượng nguồn con sông Hương để nấu, mới làm cho món bún bò mang hương vị hài hòa trọn vẹn.
Mặc dù, cách lý giải trên chưa có bất kỳ ai hay bất kỳ bằng chứng khoa học nào được đưa ra để làm căn cứ khẳng định. Nhưng có thể thấy rõ rằng, tô bún được nấu bằng nước sông Hương luôn mang lại cho thực khách những trải nghiệm vị giác độc đáo nhất.
Bên cạnh nồi nước dùng, sợi bún cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên điểm riêng cho tô bún bò Huế. Sợi bún ở đây không quá to như ở miền Bắc, cũng không quá nhỏ như bún ở miền Nam, mà tròn dài vừa phải và dai hơn hẳn. Bí quyết được tiết lộ là do phần bột dùng làm sợi bún phải là bột gạo pha cùng bột lọc (tapioca) theo tỷ lệ riêng và không thống nhất ở từng cơ sở làm bún. Đồng thời, bột cần được nhào bằng tay vô cùng cẩn thận và công phu. Sợi bún làm ra nhờ đó mà trắng ngần, mềm mướt nhưng dai chắc chứ không dễ gãy vụn.
Khi ăn, người ta cho sợi bún vào tô, thêm lên bên trên khoanh giò heo béo ngậy, miếng chả cua thơm nức, vài lát bò nạm hầm mềm, thịt bò tái vừa chín tới, rồi chan nước lèo ngập mặt bún. Cuối cùng, rắc lên trên mặt chút hành lá, rau mùi tươi thái nhỏ để gia tăng màu sắc và vị thơm nồng.
Bún bò Huế luôn được ăn kèm với đĩa rau sống, vài lát chanh tươi, trái ớt đỏ cây nồng và đặc biệt không thể thiếu chén ruốc. Người dân Huế gốc, mỗi khi ăn đều luôn muốn thêm chút ruốc để tô bún gia tăng vị đậm đà. Tuy vậy, với du khách lần đầu nếm vị ruốc, đây lại trở thành “trải nghiệm dậy mùi”. Nó giống như một thử thách hơn là thưởng thức ẩm thực. Do đó, bạn nhớ đừng thử cho thêm ruốc vào món ăn của mình nếu chưa từng làm quen với nó trước đây nhé.
Lưu ý: nếu bạn đến Huế và muốn nếm thử món bún bò, hãy chọn ghé vào những nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch. Không nên đến các quán vỉa hè nhỏ, chuyên dành cho khách địa phương.
Điều này vừa đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm cho bạn. Đồng thời, tại các quán chuyên phục vụ người địa phương, món bún sẽ khá nặng vị ruốc và ớt cay khiến bạn khó thích ứng. Trong khi, ở các nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch, người nấu sẽ điều tiết lượng ruốc và ớt trong món ăn, để đáp ứng được phần đông du khách lần đầu nếm thử vị món bún Huế.
2. Nguồn gốc món bún bò Huế
Theo nhiều tư liệu, bún bò Huế được cho là xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI, dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Đến nay, nhiều người dân Huế vẫn hay truyền miệng lại với nhau câu chuyện về nàng Bún ở làng Cổ Tháp, huyện Hương Điền.
Nàng Bún được biết đến là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, khéo léo, nhiều người yêu mến. Nàng đã mang những hạt gạo trắng đi ngâm, xay, nhồi, vắt để tạo ra những sợi bún thơm ngon, độc lạ.
Chính tài năng và sức hút từ món ăn mà nàng tạo ra, khiến cho nhiều kẻ xấu dạ tỏ mặt ganh ghét. Nàng bị đuổi ra khỏi làng vì những lời dèm pha, xuyên tạc của kẻ xấu. Người con gái ấy vẫn kiên cường mang theo nghề làm bún của mình đến vùng đất Vân Cù, thuộc địa phận thị xã Hương Trà ngày nay. Tại đây, nghề làm bún của nàng được dân làng đón nhận và nhanh chóng phát triển ra khắp làng.
Không chỉ làm ra sợi bún, nàng còn dùng thịt bò kết hợp với mắm ruốc, ớt cay và những gia vị có trong nhà để nấu thành nồi nước lèo mang hương vị thật sự cuốn hút. Nước lèo khi kết hợp với sợi bún trắng đã tạo nên món ăn khó ai có thể chối từ.
Để tưởng nhớ công ơn của người con gái làm ra món ăn thơm ngon, mới lạ, người dân đã lấy tên nàng Bún để đặt cho món ăn ấy. Đó chính là nguồn gốc của món bún bò Huế ngày nay.
3. So sánh bún bò Huế và phở
Ở Việt Nam, có một món ăn hay được nhiều thực khách đem ra so sánh với bún bò Huế, đó chính là phở. Phở và bún bò Huế có khá nhiều điểm giống nhau, bởi bản chất của chúng đều là những món nước, với thành phần chính gồm: sợi làm từ bột gạo, thêm thịt lên trên và chan ngập nước lèo. Và cả hai món bún- phở Sài Gòn đều được ăn kèm với các loại rau sống.
Tuy nhiên, đây vẫn là hai món ăn hoàn toàn khác biệt với rất nhiều điểm không tương đồng. Điểm khác biệt đầu tiên dễ dàng nhìn thấy nhất nằm ở hình dáng sợi bột, theo đó, sợi phở có nhận diện mỏng dẹt, trong khi sợi bún tròn, nhỏ.
Nước lèo của món phở trong hơn, vị thanh ngọt, thường ít hoặc không có lớp dầu loang loáng bên trên. Ngược lại, nước lèo dùng cho món bún bò Huế nghiêng về đậm đà và nổi bật với lớp dầu óng ánh màu ớt đỏ nồng, pha cùng màu hạt điều trông vô cùng bắt mắt.
Đặc biệt, chỉ có ở tô bún bò Huế, người ăn mới cảm nhận được vị sả, hành tây hoà cùng vị ruốc dậy thơm như đánh thức tất cả các giác quan theo cách tự nhiên nhất.
Các loại thịt được sử dụng trong hai món ăn này cũng khác biệt. Bạn có thể thấy trên tô bún có đầy đủ thịt bò hầm, thịt bò tái, giò heo, và chả cua. Nhưng ở tô phở, thường chỉ bao gồm thịt bò hoặc thịt gà. Và gần như hiếm khi thấy phở heo hay sự hoà trộn giữa nhiều loại thịt bò, gà, heo trên cùng một tô phở.
Rau ăn kèm cùng món phở thường có rau húng, rau quế, ngò gai, ngò rí, tía tô, giá đỗ, tỏi và cà rốt ngâm chua ngọt. Rau của món bún bò Huế luôn là rau sống tổng hợp, trong đó nhất định không thể thiếu hoa chuối thái mỏng, rau thơm các loại, giá đỗ tươi, và sà lách.
Khi ăn, du khách sẽ nhận ra hương vị của phở và bún bò Huế hoàn toàn khác nhau. Tuỳ theo cảm nhận của từng người, mà họ cho rằng bún bò hay phở chiếm được số điểm đánh giá về độ thơm ngon cao hơn. Với cảm nhận của người viết, chúng tôi chọn bún bò Huế, món ăn đã chiếm trọn trái tim của chúng tôi khi nói về món ăn Việt.
4. Cách nấu bún bò Huế
Không khó để có được nồi bún bò Huế ngay tại căn bếp gia đình. Hãy thử với công thức món bún bò mà chúng tôi giới thiệu:
4.1. Nguyên liệu:
Phù hợp để nấu cho khoảng 4- 5 người ăn
– 1kg xương ống bò
– 300gr thịt bò nạm
– 1kg giò lợn (bạn có thể chọn phần giò nạc bên trên hoặc giò khoanh bên dưới tuỳ vào sở thích và thói quen ẩm thực của mình)
– 200gr chả cua (bạn có thể bỏ qua nguyên liệu này nếu không thể tìm thấy nó)
– 5-7 cây sả, ½ quả thơm tươi, 1- 2 củ hành tây, 1 nhánh gừng tươi vừa phải, ớt trái, nước mắm, gia vị thông dụng.
– ½ thì hạt điều hoặc bột điều (bỏ qua nếu bạn không muốn)
– 2- 3 thìa mắm ruốc. Loại gia vị đặc biệt này góp phần làm nên mùi vị nguyên bản hết sức đặc trưng của bún bò Huế. Tuy vậy, nó thật sự dậy mùi. Nếu bạn chưa từng thử qua, hãy cân nhắc khi dùng nó. Chúng tôi khuyên bạn nên bỏ qua loại nguyên liệu này hoặc có thể dùng với lượng thật nhỏ, và nêm từ từ để chắc chắn rằng nó không phá hỏng món ăn của bạn.
– Rau sống ăn kèm: sà lách, hoa chuối thái mỏng, giá đỗ, rau thơm, ngò rí.
– 1kg bún sợi
3.2. Tiến hành nấu:
– Xương bò, thịt bò, giò lợn rửa sạch với nước muối pha loãng. Tiếp đó, chặt phần xương bò thành nhiều phần có độ lớn vừa phải. Giò heo cắt thành 4- 5 khúc. Để nhanh chóng và tiện lợi, bạn có thể chọn giò heo, xương bò cắt khúc có sẵn tại siêu thị.
– Cho xương bò cắt khúc và nạm bò nguyên miếng lớn vào nồi cùng với vài cọng sả đập dập, 1 nhánh gừng tươi vừa phải cạo vỏ đập dập, 1/2 quả thơm tươi gọt vỏ. Thêm nước ngập phần xương, thịt và đun sôi ở lửa lớn. Khi nồi xương sôi đều, hớt bỏ sạch phần bọt nổi lên trên. Hạ lửa để nước sôi liu riu, hầm trong 45- 60 phút.
– Phần thịt giò lợn cũng mang đi hầm mềm với sả và chút muối, hạt nêm.
– Khi nạm bò mềm, vớt ra để nguội, cắt lát mỏng vừa ăn.
– Dùng một chiếc nồi mới, phi thơm sả, ớt, hạt điều/ bột điều với dầu ăn. Tiếp đó, cho toàn bộ phần nước hầm xương bò vào. Thêm vào nồi 1- 2 củ hành tây đã làm sạch. Pha loãng ruốc với chén nước lọc rồi cho vào nồi. Đợi nước sôi lại thì nêm nếm gia vị theo khẩu vị gia đình bạn.
Lưu ý: nồi nước lèo dùng ăn bún thường có vị mặn hơn món soup thông thường một chút nhưng chắc chắn cần nhạt hơn món kho hoặc xào. Vị mặn này sẽ được cân đối khi kết hợp cùng sợi bún và rau sống lúc ăn. Do đó, bạn cần cân đối để món ăn không bị mặn hoặc nhạt.
– Cho toàn bộ phần nạm bò thái lát, thịt giò lợn hầm mềm vào. Khi tất cả sôi đều, dùng thìa bắt từng miếng chả cua nhỏ gần bằng quả óc chó cho vào nồi nước lèo đang sôi. Chả sẽ chín tới sau tầm 3- 5 phút kể từ khi nước sôi. Nêm nếm lại lần cuối để chắc chắn món ăn vừa miệng.
– Có thể cho thêm ít dầu phi hạt/ bột điều lên trên để gia tăng màu sắc hấp dẫn, nếu muốn.
– Hoàn thành xong nồi nước dùng, bạn cho lượng bún vừa phải vào tô, gắp nạm bò, chả cua và giò lợn xếp lên trên. Chan nước dùng ngập bún, rồi rắc lên ít hành lá cắt nhỏ.
Tô bún bò Huế được dọn lên bàn kèm với đĩa rau sống, vài miếng chanh, ớt và chén nước mắm. Vậy là bạn đã hoàn thành món bún bò Huế ngay tại căn bếp của mình.
Cùng thưởng thức nó với người thân yêu của bạn và cảm nhận hương vị độc đáo mà món ăn mang lại. Hứa hẹn đây sẽ là bữa ăn cuốn hút với tất cả các thành viên trong gia đình.