Khám Phá Bánh Mì Chay và Bánh Mì Thịt Của Việt Nam

Mặc dù có nguồn gốc từ phương tây, nhưng bánh mì trở thành một món ăn đậm văn hóa Việt Nam dưới sự biến đổi và sáng tạo tài tình của người chế biến.

banh mi thit viet nam
Bánh mì

Có nhiều loại bánh mì ra đời, nhưng hôm nay chúng tôi muốn phân loại và giới thiệu hai loại bánh mì chủ đạo, bánh mì chay và bánh mì thịt.

1. Bánh mì Việt là gì?

Bánh mì Việt được hiểu đơn giản là một chiếc bánh mì mang phong cách, hương vị thơm ngon độc đáo của người Việt.

Thật vinh dự khi từ Bánh Mì hay Bánh Mỳ được ghi trong từ điển Oxford với cách ghi không dấu là: “banh mi”, có nghĩa là chiếc bánh mì của Việt Nam không cần dịch là “Vietnamese Bread” ra tiếng Anh.

Chính bởi bánh mì của người Việt có hương và vị riêng. Do vậy, bánh mì Việt không là một chiếc Baguette, càng không phải một miếng sandwich, hay hamburger. Bánh mì Việt là loại bánh mì kẹp, trong đó: 

Phần bánh có hình dáng thoạt nhìn gần giống một chiếc Baguette thu nhỏ. Nhưng chúng lại có vỏ ngoài giòn, thơm đậm vị bơ. Ruột bên trong mềm, ẩm, và xốp hơn rất nhiều so với một chiếc Baguette.

Phần nhân kẹp hấp dẫn với đầy đủ: rau thơm, cà rốt đu đủ chua ngọt, dưa leo, ớt, patê gan, sốt trứng gà, nước chan đậm vị và các loại thịt, chả được nêm nấu cuốn hút.

Vì tính linh động, gọn gàng và nhanh chóng của món ăn, người Việt thường mua Bánh mì mang đi, thay vì ngồi ăn tại bàn như các loại thức ăn khác. Chúng chủ yếu được sử dụng cho bữa ăn sáng vội vàng hoặc những bữa phụ nhẹ.

Giá một chiếc bánh mỳ kẹp thịt ở Việt Nam có sự giao động lớn và rẻ. Nếu ở một số cửa hàng nhỏ, bình dân, một ổ bánh mì có giá chỉ 10.000vnđ- 15.000vnđ. Thì, tại các tiệm bánh lớn, chất lượng và ngon hơn, giá một chiếc bánh mì trung bình là 30.000vnđ đến 50.000vnđ.

tiem ban banh mi
Tiệm bán bánh mì

2. Những loại bánh mì thường thấy ở Việt Nam 

Bánh mì Việt có nhiều loại khác nhau là do sự khác nhau trong thành phần các loại nhân kẹp tạo ra. Trong đó, được chia thành hai nhóm: bánh mì chay và bánh mì thịt.

2.1. Bánh mì thịt

Điều tuyệt vời nhất của 1 ổ bánh mì Việt nằm ở sự sáng tạo từ người đầu bếp. Chỉ cần anh ta đủ đam mê và tình yêu với bánh mỳ, anh ta có thể biến mọi loại thịt, cá thành nguyên liệu hoàn hảo để kẹp vào chiếc bánh mỳ giòn thơm. Và biến nó thành món ăn ngon đến gây nghiện.

bánh mì thịt
Bánh mì thịt

2.1.1. Bánh mì thịt ngày xưa

Nhiều năm trước, chiếc bánh mì kẹp thường thấy ở Việt Nam là bánh mì thịt lợn xíu. Trông chúng có vẻ khiêm tốn hơn rất nhiều so với ổ bánh mì hiện tại.

Về cơ bản, phần bánh mỳ không có nhiều khác biệt, với vỏ ngoài giòn, trong mềm xốp. Nhưng phần nhân thịt được làm khá sơ sài. Chủ yếu là thịt lợn nhiều mỡ, thái lát mỏng và xíu thấm cùng gia vị. 

Nước thịt xíu được dùng làm nước chan bánh. Phần rau chỉ vài loại đơn giản như rau răm, hành lá chẻ sợi. Ớt luôn được người bán thêm vào tùy theo yêu cầu của người ăn.

Tuy vậy, ổ bánh mỳ vẫn rất cuốn hút. Bởi đặc tính nặng, đầy ứ của tinh bột được phần nước xíu thịt màu mỡ, béo ngậy làm cho mềm thơm, hài hòa. Lượng rau tuy ít nhưng đa phần là rau có vị thơm nồng, đậm, giúp cân bằng phần tinh bột và chất béo.

banh mi thit heo
Bánh mì thịt heo

2.1.2. Bánh mỳ thịt ngày nay

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu ăn uống của người dân, bánh mỳ Việt liên tục được nâng tầm. Từ chiếc bánh mì thịt mỡ xíu, người ta cho ra đời những chiếc bánh mỳ thịt ngon khó cưỡng.

Bao gồm bánh mỳ thịt lợn xíu, gà xíu, thịt bò, thịt đà điểu, cá nục, cá hồi, thịt nguội, chả lụa, chả da, chả cá, thịt lợn nướng, thịt lợn quay, trứng gà chiên. Và bất kỳ thứ gì người đầu bếp có thể chế biến vừa vị đủ để kết hợp cùng bánh mỳ.

Tất nhiên, nhiều người khẳng định rằng, vị ngon bánh mỳ thịt còn nhờ có sự góp mặt của phần patê gan. Nhờ một chút béo ngậy, pha một chút bùi nhẹ, cùng cảm giác giàu protein từ patê, khiến chiếc bánh mỳ cuốn hút đến khó tả.

Để cân bằng vị béo của thịt, đầy nặng của tinh bột, người ta cho vào bánh mỳ món đu đủ cà rốt dầm chua ngọt và thật nhiều rau, dưa. Thêm một ít sốt trứng gà tươi béo mịn.

Chan vào bên trong thứ nước sốt thịt băm được chế biến công phu. Phần nước chan này như chất xúc tác quan trọng giúp các thành phần trong nhân bánh hòa quyện vào nhau. Đồng thời, giúp chiếc bánh mỳ không bị khô, cứng mà trở nên mềm, thơm.

Cắn một miếng bánh mỳ, cảm nhận đầu tiên là cái giòn rụm của vỏ bánh. Ngập vào bên trong, cái tươi mới của rau dưa khiến các giác quan trong vòm miệng trở nên nhẹ nhàng, mát dịu. Cuối cùng, miếng thịt đậm đà, ngon đến ngỡ ngàng.

Tất cả hòa quyện vào nhau, làm thành món ăn đủ vị: mặn, ngọt, chua, cay, béo, bùi, giòn, thơm. Và, chỉ với một chiếc bánh mì kẹp thịt gọn gàng cũng đủ sức khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi.

banh mi viet nam

2.2. Bánh mì chay 

Loại bánh mì này không xuất hiện thường xuyên và rộng khắp như bánh mỳ thịt. Chúng gần như chỉ được bán vào các ngày rằm và mồng một mỗi tháng âm lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn chay của người Việt.

Sự khác nhau của bánh mỳ chay và bánh mỳ thịt nằm ở phần nhân. Nếu nhân bánh mỳ thịt có thành phần chính là thịt. Thì nhân bánh mỳ chay lại chỉ bao gồm các loại rau, củ, đậu phụ, nấm. 

Loại bánh mỳ chay đơn giản nhất sẽ có nhân là bơ đậu phộng và sữa đặc có đường.

Trong khi đó, loại bánh mỳ chay khiến nhiều người yêu thích sẽ có phần nhân bao gồm nhiều nguyên liệu cầu kỳ hơn. Có thể bao gồm nấm kho, khuôn đậu rim thấm vị, chả chay được chế biến từ đậu nành, đậu phụng rang vàng, mỳ căn rim.

Tất nhiên, thành phần rau thơm, dưa leo, đu đủ cà rốt chua ngọt, là cần thiết có trong loại bánh mỳ chay này.

Với một số ít khách, bánh mỳ chay có vẻ không mấy hấp dẫn so với bánh mỳ thịt. Nhưng nếu có cơ hội, bạn cũng có thể thử trải nghiệm một lần để cảm nhận sự khác biệt và thú vị của nó. Là một người Việt, tôi yêu thích cả hai loại bánh mỳ chay và thịt. Ở mỗi loại đều chứa đựng sức cuốn hút riêng của nó.

banh mi sai gon
Ổ bánh mì theo phong cách Sài Gòn

3. Ăn bánh mì ở đâu ngon nhất?

Thường thì lời giải cho câu hỏi “bánh mỳ Việt ở đâu ngon nhất?” nằm ở khẩu vị và đánh giá riêng của từng người. Nhưng, thông qua những đánh giá chung từ du khách, chúng tôi đưa đến cho bạn một số gợi ý nổi bật:

1. Bánh mì Hội An:

Rất nhiều du khách khẳng định rằng bánh mỳ Hội An hấp dẫn họ nhất. Trong đó, một vài cái tên được nhắc đến, như: 

  • Bánh mỳ Madam Khánh, số 115 Trần Cao Vân, TP Hội An
  • Bánh mỳ Phượng, số 2b Phan Châu Trình, TP Hội An
  • Bánh mỳ Bích, số 51 Phan Châu Trinh, TP Hội An

2. Bánh mỳ Sài Gòn:

Ngon không kém cạnh bánh mỳ ở bất kỳ đâu trên cả nước, Sài Gòn là nơi tuyệt vời để bạn thưởng thức bánh mỳ Việt. Bạn có thể tìm đến: 

  • Bánh mỳ Huỳnh Hoa, số 30 Lê Thị Riêng, quận 1, TP Hồ Chí Minh
  • Bánh mỳ 362, số 25 Trần Cao Vân, quận 1, TP Hồ Chí Minh
  • Bánh mỳ Bà Huynh, số 185K Cống Quỳnh, quận 1, TP Hồ Chí Minh

3. Bánh mỳ Hà Nội:

Trong danh sách những nơi có bánh mỳ ngon nhất Việt Nam, chắc chắn không thể thiếu địa danh Hà Nội. Thưởng thức một ổ bánh mỳ Hà Nội, bạn sẽ phải trầm trồ vì hương vị thơm ngon cuốn hút. Bạn có thể thử bánh mỳ Hà Nội tại: 

  • Bánh mỳ Phố cổ, số 38 Đinh Liệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Bánh mỳ Dân tổ, số 22 Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Bánh mỳ 25, số 25 Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

 

 / 

Sign in

Send Message

My favorites