Dấu ấn văn hóa của một quốc gia không chỉ nằm trong các công trình kiến trúc, điện đài hay trang phục của người dân. Mà còn được khắc họa rõ nét trong những món ăn truyền thống của chính dân tộc đó. Nó giống như việc khi bạn nhắc đến nước Ý bạn không thể không nhắc đến món Pizza nức tiếng của họ.
Việt Nam cũng vậy, những món ăn truyền thống của đất nước xinh đẹp, hiếu khách này, đã gói gọn trong nó những giá trị văn hóa nhất định.
Những món ăn đẹp đẽ thường được nhắc đến, bao gồm:
1. Bánh Chưng, Bánh Tét
Khi nhắc đến những món ăn truyền thống gắn liền với đất nước Việt Nam, Bánh Chưng, Bánh Tét luôn là cái tên được đề cập đầu tiên.
Món ăn này được chế biến từ các nguyên liệu khá đơn giản, bao gồm: Gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn. Tất cả chúng được gói kín bằng nhiều lớp lá chuối hoặc lá dong và nấu chín trong nhiều giờ.
Theo truyền thuyết, món ăn này được sáng tạo nên lần đầu bởi người con trai thứ 18 của Vua Hùng Vương thứ VII. Hoàng tử này có tên Lang Liêu, ngài đã sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong mọi gia đình nông dân để làm nên món ăn ý nghĩa dâng lên vua cha và trời đất.
Món ăn ban đầu có hình vuông, tượng trưng cho mặt đất và gọi là bánh Chưng. Sau này, những người dân ở miền Trung và miền Nam tạo hình cho món bánh này theo dạng trụ tròn và gọi là Bánh Tét. Bánh Tét khi bày lên đĩa sẽ được cắt thành những khoanh tròn trông như vầng mặt trời.
Ngày nay, cả hai loại bánh này đều tồn tại song song với ý nghĩa truyền thống giống nhau. Nó tượng trưng cho hai hình tượng cấu tạo nên sự sống là Trái đất và mặt trời. Đây là món ăn thể hiện sự biết ơn trời đất, tổ tiên, ông bà của người Việt.
Hai loại bánh này xuất hiện trong hầu hết các gia đình Việt Nam mỗi khi Tết về. Ngày thường, du khách cũng có thể bắt gặp bánh Chưng, bánh Tét được bày bán trong các khu chợ, nhưng số lượng không nhiều. Giá của một chiếc bánh Chưng cũng không quá đắt, tầm từ 10.000vnđ – 20.000vnđ cho một bánh, vô cùng dễ để du khách nếm thử.
2. Dưa hành/củ kiệu/ dưa món
Món ăn này chủ yếu xuất hiện trong các ngày Tết Nguyên Đán. Trong đó:
– Dưa hành có nguyên liệu chính là hành tím(shallots), là món ăn đặc trưng của người miền Bắc.
– Củ kiệu có mặt ở miền Nam. Nguyên liệu chính làm nên món ăn là củ kiệu.
– Đến khu vực miền Trung, người dân lại góp chung rất nhiều nguyên liệu, bao gồm cả: hành tím, củ kiệu, cà rốt, đu đủ xanh, xu hào, để làm nên món ăn đa màu sắc, mùi vị và gọi là Dưa món.
Cả dưa hành, dưa món, hay củ kiệu đều được chế biến bằng phương pháp lên men tự nhiên. Món ăn đạt chất lượng là khi vẫn giữ nguyên được độ giòn tươi của hành, kiệu, hay các loại củ quả đi kèm, đồng thời thấm vị mặn, ngọt và chua nhẹ. Hành, kiệu không còn vị hăng vốn có của nó, trong khi vẫn đảm bảo giữa được mùi thơm đặc trưng.
Món ngon này xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp. Khi mà người nông dân nhận thấy, lượng rau củ quả tươi trong mùa thu hoạch rất nhiều nhưng không thể sử dụng hết. Trong khi đó, qua hết vụ mùa, người dân phải đợi rất lâu cây trồng mới cho ra thành quả mới. Do đó, họ đã nghĩ ra cách lên men các loại rau củ tươi và dùng độ mặn của muối để kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Thành thói quen, mỗi dịp Tết về, người Việt lại “biến tấu” món rau củ muối mặn của mình thành món dưa hành/ dưa món/ củ kiệu, làm món ăn kèm bánh Chưng, bánh Tét, Giò chả,… Ngày nay, vị thơm ngon và màu sắc bắt mắt của món ngon này vẫn luôn chiếm được rất nhiều cảm tình của người ăn. Hầu như, mọi người Việt đều mong chờ đĩa dưa hành, củ kiệu xuất hiện trong mâm cơm ngày Tết. Nó như nét văn hóa không gì thay thế được.
3. Chả lụa
Từng được xem như món ăn sang trọng dành riêng cho tầng lớp quý tộc của chế độ phong kiến, Chả lụa đến nay đã phổ biến trong khắp các gia đình Việt Nam. Chả lụa còn được gọi Giò lụa hay Giò chả.
Món ăn được chế biến khá công phu, bắt đầu từ việc lựa chọn phần thịt nạc ngon nhất của con lợn. Giã nhuyễn thịt được chọn với các loại gia vị đặt trưng như hành tím, tiêu đen, muối, hạt nêm, nước mắm ngon. Gói kín thịt xay trong lá chuối theo hình dạng trụ tròn có độ lớn vừa phải. Nhìn bề ngoài có vẻ gần giống Bánh Tét nhưng chả lụa ngắn hơn và lớn hơn một chút.
Chả được luộc chín kỷ và bảo quản nơi thoáng mát hoặc trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng qua nhiều ngày. Khi ăn, người ta cắt chả thành từng khoanh tròn, rồi tiếp tục chia khoanh chả thành 6 hoặc 8 miếng có hình tam giác nhỏ hơn.
Chả lụa có mùi vị vô cùng thơm ngon và dễ sử dụng. Nó xuất hiện trong các ngày Tết, giỗ ông bà, tổ tiên hay các bữa tiệc cưới, hỏi, ăn mừng. Nó cũng được sử dụng như món ăn thường nhật của người dân.
4. Chả giò/ nem rán/ ram
Cùng là một món ăn nhưng ở các vùng miền khác nhau ở Việt Nam, nó lại được gọi với những cái tên không giống nhau. Miền Bắc gọi bằng tên Chả giò, hoặc nem rán, trong khi người miền Trung, miền Nam lại gọi Ram.
Nem rán hay ram được làm từ khá nhiều các loại nguyên liệu, như: thịt heo băm nhuyễn, nấm mèo, cà rốt, tôm bóc vỏ, miến, hành lá hoặc rau ngò, su hào, hành tím, trứng gà, gia vị thông dụng và bánh tráng mỏng cuốn nem. Những nguyên liệu này đôi khi có thể được lược bỏ bớt chỉ giữ lại thịt heo băm, nấm, cà rốt và bánh cuốn nem. Nhưng cũng có khi được gia thêm nhiều thứ khác như khoai môn, đậu phụ, hành tây,…
Sau khi trộn các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, người ta sẽ cuốn từng ít nguyên liệu một trong tấm bánh tráng cuốn nêm để tạo thành cuốn nem nhỏ. Nem được chiên vàng giòn, dậy mùi thơm là hoàn thành.
Từ cách chế biến, cùng nguyên liệu được sử dụng, phản ánh rõ đặc tính văn hóa nông nghiệp có từ ngàn xưa của người Việt. Nguyện liệu đa phần đều là thứ có sẵn trong nhà. Không những thế, nó bao gồm cả sự kết hợp khá linh hoạt giữa các loại rau củ, thịt, tôm, nấm,… mà người dân vừa thu hoạch được từ trong vườn nhà hay sau buổi chài lưới trên sông.
Từng chiếc chả giò nhỏ trở thành món ăn có sức hút vô cùng lớn với người thưởng thức. Nó trở thành món không thể thiếu trong mâm cổ của người Việt mỗi khi Tết về, trong mâm cơm dâng cúng tổ tiên, hay các dịp hội họp, quây quần bên gia đình.
5. Thịt lợn kho trứng/ thịt ngâm mắm/ thịt nấu đông
Ba món ăn ngon đặc trưng và vô cùng nổi tiếng của ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam, bao gồm:
– Thịt kho trứng: món ăn này trở thành đặc trưng nổi bật nhất ở khu vực miền Nam. Được chế biến từ thịt ba chỉ lợn và trứng gà. Người đầu bếp sẽ lựa chọn những miếng thịt lợn tươi có các phần nạc, mỡ đan xen nhau. Thịt được làm sạch và cắt thành những miếng vuông có kích thước tương đối lớn.
Người ta ướp thịt cẩn thật với mắm, nước tương đậu nành, muối, tiêu, đường, hạt nêm, hành tím. Trứng gà luộc chín bóc vỏ và chiên vàng mặt. Tiếp theo cho thịt vào nấu mềm cùng trứng và nước dừa tươi. Thịt kho trứng hội tụ đủ vị thơm, béo, đậm đà, dậy mùi, tròn vị, ngon đến khó cưỡng.
– Thịt ngâm mắm: món ngon này thuộc về người miền Trung. Nguyên liệu chính bao gồm thịt lợn luộc chín, và hỗn hợp nước mắm, đường nấu sôi. Người ta ngâm thịt lợn luộc chín để nguội vào hỗn hợp nước mắn đường đun sôi để nguội. Cần chờ thêm 5-7 ngày để thịt ngấm nước mắm là mang ra dùng được. Thịt ngâm mắm có thể bảo quản trong nhiệt độ thường từ 10 đến 15 ngày.
Món ăn này xuất phát từ xa xưa, khi các công cụ hỗ trợ bảo quản thực phẩm như tủ lạnh chưa ra đời. Tết đến, người dân mổ lợn, sửa soạn mâm lễ cúng mừng. Để bảo quản thịt lợn được lâu và lưu giữa ăn dần trong những ngày tiếp đó, người dân miền Trung đã sáng tạo nên món thịt ngâm mắm. Món ăn vô cùng đậm đà, mang hương vị rất đặc trưng và cuốn hút. Đên nay, vào mỗi dịp Tết, người miền Trung lại làm món thịt này để chiêu đãi gia đình, người thân, bạn bè.
– Thịt nấu đông: được sinh ra và trở thành đặc trưng của người miền Bắc, thịt nấu đông như món ăn không thể thiếu trên vùng đất này mỗi dịp Tết về.
Xuất phát từ đặc điểm thời tiết miền Bắc thường xuyên rét buốt trong mỗi dịp Tết. Thức ăn nấu ra đều nhanh chóng nguội lạnh. Các món nấu từ thịt dễ dàng đông đặc và tạo thành khối. Để thích nghi, người dân đã sáng tạo nên món thịt nấu đông dành riêng cho vùng miền của mình.
Nguyên liệu của món ăn này bao gồm: thịt giò lợn, tai lợn, nấm hương, nấm mèo, cà rốt, hành lá, ngò rí, bắp hạt, hành tím, gia vị thông dụng. Thịt sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ rồi nấu chín mềm cùng các loại nguyên liệu đi kèm. Cuối cùng, cho thịt ra khuôn. Dưới cái lạnh của miền Bắc, thịt sẽ nhanh chóng đông lại theo hình dạng của khuôn trông khá hấp dẫn.
Dù là thịt kho trứng hay thịt ngâm mắm, thịt nấu đông đều thể hiện rõ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước vốn có của người Việt. Trong đó, bao hàm cả những con người chăm chỉ, quý trọng sức lao động cùng thành quả mà mình làm ra.
6. Xôi nếp, chè đậu
Gạo nếp, đậu các loại là thành quả trồng trọt quan trọng và phổ biến của người Việt. Sau mỗi vụ mùa, sản lượng đậu, lúa, nếp mà người nông dân thu hoạch được trở thành thước đo đánh giá sự thành công và no đủ của họ. Vì thế, lúa nếp, ngũ cốc không chỉ mang ý nghĩa là nguồn lương thực quan trọng mà còn chứa đựng niềm tự hào của người dân.
Cuối mỗi vụ thu hoạch, người nông dân đều lựa chọn loại nếp, đậu ngon nhất, chế biến thành các món ăn ngon dâng lên trời đất, tổ tiên, ông bà và cùng nhau thưởng thức. Xôi nếp, chè đậu là một trong những món ăn ngon mang ý nghĩa truyền thống tốt đẹp đó.
Hai món ăn này được chế biến khá đơn giản. Để có món Xôi nếp, người ta dùng gạo nếp thơm, dẻo đêm hấp chín cùng nắm lá dứa thơm.
Chè đậu được chế biến bằng cách hầm mềm đậu với nước, sau đó cho đường vào để tạo vị ngọt. Đậu dùng để nấu chè khá linh hoạt, có thể đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu ngự hay đậu trắng,… đều vô cùng thơm ngon. Món chè có thể ăn nóng trong mùa đông hoặc ăn kèm đá lạnh để giải khát ngày hè.
Đặc biệt, trong các dịp lễ cúng đều xuất hiện hai món Xôi nếp và chè đậu. Nó thể hiện sự biết ơn của người Việt với thần linh, trời đất, tổ tiên đã phù hộ để họ có đầy đủ lương thực nuôi sống gia đình.
Ngày nay, đến Việt Nam, đi đâu tới đâu bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp hai món ăn này. Trong đó, chè đậu như món ngon đặc trưng có sức hút mạnh mẽ với tất cả những người yêu mếm ẩm thực Việt.
7. Nem chua/ tré
Món ăn truyền thống được nhiều người Việt yêu mến tiếp theo bao gồm: nem chua và tré của người miền Trung.
Hai món ngon này có mùi vị và cách chế biến rất độc đáo. Trong đó, nem chua được tạo ra dựa trên cơ sở lên men thịt lợn nạc tươi, cùng những nguyên liệu đặc biệt, như: thính gạo rang, lá ổi hoặc lá đinh lăng, tỏi, ớt, nước mắm. Thịt lợn nạc sống sau quá trình lên men, nhờ men tự nhiên tiết ra từ các loại gia vị đặc biệt này, trở thành món ăn vô cùng độc đáo. Nem có vị chua nhẹ, vị thơm của các loại lá và ớt cay nồng.
Ngược lại, tré lại được chế biến từ phần tai, đầu của lợn. Tất cả được luộc chín, thái mỏng và lên men với thính gạo rang, lá ổi, củ riềng, tỏi, ớt.
Dù cả hai món đều được chế biến dựa trên cùng một nguyên lý, nhưng sản phẩm tạo ra mang hương vị hoàn toàn khác nhau. Tré nghiên nhiều về vị cay nồng của riềng, ớt, và có độ giòn sần sật của thịt tai lợn. Thịt trong miếng Tré tách rời nhau. Trong khi đó, nem chua lại giữ nguyên vị tươi của thịt, và chúng kết dính chặt chẽ thành từng miếng theo tạo hình của người gói nem.
Dù Tré hay Nem chua đều thể hiện rõ kỹ năng sử dụng gia vị khá độc đáo, hài hòa của người Việt. Họ gần như hiểu rõ tính năng, giá trị của từng loại cây lá, gia vị có trong gia đình.
Hai món ăn đặc trưng này được người Việt, đặc biệt là người dân miền Trung, thưởng thức quanh năm như món nhắm cùng bia của cánh đàn ông. Và là món ăn kèm, ăn chơi ngon miệng cho chị em phụ nữ.
Đến miền Trung Việt Nam, bạn dễ dàng bắt gặp món tré và nem chua ở nhiều nhà hàng địa phương. Giá thành khá rẽ, giao động từ 5.000vnđ – 10.000vnđ cho một cây tré hoặc nem.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn khuyên bạn hãy cẩn thận khi quyết định thử hai món ăn này. Chúng được lên men tự nhiên nên đôi khi không đảm bảo an toàn 100% cho những người ném thử lần đầu. Đặc biệt, nem chua được chế biến từ 100% thịt sống lên men tự nhiên, vì vậy, bạn cần cân nhắc cẩn thận chiếc bụng của mình trước khi quyết định ném thử hay không.
Ngoài những món ăn trên, Việt Nam còn khá nhiều các món ăn ngon, hấp dẫn mang giá trị văn hóa truyền thống tươi đẹp. Khám phá những vùng miền đất nước Việt Nam, du khách sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu và trải nghiệm nét đẹp của những món ăn truyền thống này.