Tết Nguyên Đán

“Tết” hay còn gọi “Tết Nguyên Đán” là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất ở Việt Nam. Hằng năm, người Việt thường dành ít nhất một tuần làm việc chính thức để chào đón ngày lễ trọng đại này. 

Rất nhiều nghi lễ và hoạt động nổi bật diễn ra trong ngày Tết. Có thể nói, đây là lễ hội truyền thống gói gọn trọn vẹn những gì tươi đẹp nhất trong văn hóa người Việt.

Tet Nguyen Dan
Chở Tết về nhà

1. Thời gian diễn ra Tết

Giống hầu hết các nước Châu Á, Việt Nam tồn tại hai hệ lịch song song, bao gồm: Lịch dương tính theo chu kỳ quay của mặt trời, và Lịch âm dựa trên chu kỳ chuyển động của mặt trăng. Tết là lễ hội truyền thống diễn ra khi năm cũ âm lịch kết thúc, năm mới âm lịch bắt đầu.

Số ngày của Tết Nguyên Đán là bốn ngày, được tính từ ngày cuối cùng của năm cũ – thường là ngày 30 tháng 12 Âm lịch (tháng Chạp), ngày một – hai – ba của tháng 1 Âm lịch (tháng Giêng).

Quy chiếu theo lịch dương, Tết thường rơi vào tầm cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 hàng năm. Tuy vậy, khoảng thời gian này là không cố định cho mỗi năm dương lịch bởi nó lệ thuộc vào sự chênh lệch giữa lịch âm và lịch dương. 

Để biết chính xác Tết Việt Nam của từng năm cụ thể diễn ra vào ngày nào theo dương lịch, cần dựa vào hệ quy chiếu Âm- Dương lịch của riêng năm đó. Hiện nay, đã có rất nhiều công cụ online giúp thực hiện việc quy chiếu này. Bạn có thể tham khảo tại: https://www.24h.com.vn/lich-van-nien-c936.html

2. Ý nghĩa ngày Tết

Xuất phát từ nền văn hóa lúa nước, người Việt dựa vào chu kỳ chuyển động của mặt trăng để dự đoán diễn biến thời tiết từng năm. Từ đó, đưa ra quyết định thời điểm gieo hạt cho vụ mùa năm mới nhằm tránh rủi ro do thiên tai gây ra. Trải qua quá trình dài đúc kết kinh nghiệm, họ nhận ra, thời điểm năm cũ kết thúc cũng là lúc người nông dân vừa hoàn tất công đoạn xuống giống cho vụ mùa mới.

Lúc này, trời đất bước vào độ mưa thuận gió hòa. Người nông dân sau khi hoàn thành công việc đồng án, họ có những ngày nhàn rỗi giữa vụ để quay quần bên gia đình, người thân. Đồng thời, họ sắm sửa lễ vật dâng lên tổ tiên ông bà và trời đất, cầu mong mùa mới sẽ thuận lợi, cho thu hoạch dồi dào, sung túc.

Từ ý nghĩa đó, qua hàng ngàn năm, người Việt đã chọn thời điểm kết thúc năm cũ bước vào năm mới làm ngày lễ truyền thống quan trọng nhất của mình và gọi đó là “Tết”. 

Ngày nay, Tết Nguyên Đán trở thành dịp lễ lớn nhất trong năm để gia đình sum họp bên nhau. Hầu hết mọi người, cho dù đang công tác hay học tập xa quê, đều cố gắng quay về quê hương đón Tết cùng gia đình, ông bà, cha mẹ. 

Đồng thời, đây cũng là dịp quan trọng để dâng hương lên tổ tiên nhằm thể hiện tinh thần luôn hướng về nguồn cội của người Việt.

Tết còn là cơ hội cho mỗi người tổng kết lại những gì đã đi qua trong suốt một năm. Từ việc làm được đến việc chưa làm được hay đang dang dở, trên cơ sở đó đặt ra mục tiêu, kế hoạch cho năm mới.

Tết cũng là lúc người ta gác lại cái cũ, xóa nhòa những điều không vui đã qua, chào đón niềm tin mới, hy vọng mới. Đặt ra ước mong năm mới an lành, may mắn, thuận lợi hơn.

3. Những hoạt động chính diễn ra trong ngày tết

Có rất nhiều hoạt động diễn ra để chào đón Tết. Bắt đầu từ giữa tháng 12 âm lịch, mọi hoạt động chuẩn bị cho Tết đã trở nên nhộn nhịp trên khắp cả nước. Trong đó, có những hoạt động chính thật sự quan trọng, bao gồm:

3.1. Trang hoàng nhà cửa:

Việc này được mặc định như hoạt động bắt buộc mỗi dịp Tết về. Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, mà khoảng thời gian thực hiện công việc này có thể khá sớm hoặc muộn hơn. Điển hình, có nhiều gia đình tiến hành dọn dẹp nhà cửa từ những ngày đầu của tháng 12 âm lịch. Nhưng cũng có không ít trường hợp mãi đến ngày cuối cùng của năm cũ mới bắt đầu dọn nhà đón Tết.

Với một số ít người cẩn thận, họ có thể tiến hành sơn lại nhà cửa để sang năm mới mọi thứ đều mới mẽ, sáng sủa. Trong khi đó, hầu hết mọi người đều lựa chọn cách quét dọn toàn bộ ngôi nhà thật sạch sẽ. Vứt bỏ những thứ không cần thiết và sắm sửa các vật dụng mới mẻ hơn. 

Sau khi nhà cửa đã được dọn dẹp gọn gàng, người Việt sẽ tiến hành trang hoàng không gian sống bằng các loại cây, hoa tươi có màu sắc rực rỡ. Thỉnh thoảng, họ chọn treo những chiếc lồng đèn màu đỏ để mong cầu may mắn, xua đuổi tà ma.

Trước đây, trong ngày Tết cổ truyền, người Việt còn có phong tục “xin chữ”. Họ tìm đến các Ông Đồ viết chữ đẹp nhất làng, để nhờ viết những câu đối mang ý nghĩa tốt đẹp trên tờ giấy đỏ, và gọi là “câu đối đỏ”. Họ treo câu đối đỏ lên khu vực trang trọng nhất của ngôi nhà. Ngày nay, phong tục này không còn nữa, thay vào đó, người dân chọn treo những tấm thiệp nhỏ có màu đỏ và thiết kế đẹp mắt, hiện đại trên cành hoa, chậu cảnh trang trí trong nhà.

3.2. Tết ông Công ông Táo và lễ dựng Cây Nêu:

Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu ngày Tết đã đến, diễn ra vào ngày 23 tháng 12 âm lịch.

Trong văn hóa Việt Nam, ông Công ông Táo là tên gọi cho ba vị thần Bếp, và thường được gọi ngắn gọn là Ông Táo, hay Táo Quân. Ba vị thần này đảm nhận nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ cho hạnh phúc, bình yên của mọi gia đình. 

Vào ngày 23 tháng 12 âm lịch hằng năm, 3 vị thần bếp sẽ quay về trời để tấu trình những việc đã diễn ra ở trần gian trong một năm qua. Vì thế, để tiễn ông Táo về trời, hầu hết người Việt đều sắm sửa lễ vật dâng cúng. Việc làm này như cách để họ tỏ lòng biết ơn ba vị thần đã che chở cho gia đình mình. Đồng thời mong thần bếp sẽ gởi ước nguyện của mình lên thượng đế, kỳ vọng năm sau mọi việc thuận lợi, tốt đẹp hơn. Lễ tiễn ông Táo được người Việt gọi là Tết ông Công ông Táo.

Trong lễ cúng ông Táo, ngoài mâm cơm thịt, rượu trà thì không thể thiếu một con cá Chép. Bởi người Việt tin rằng, thần Bếp luôn sử dụng cá Chép để làm vật cưỡi bay về trời. Cá chép dùng trong lễ cúng Táo quân là cá chép sống, sau lễ cúng gia chủ sẽ mang cá thả ra sông. 

Theo truyền thuyết, sau khi các vị thần cai quản nhân gian quay về trời, lũ yêu ma sẽ nhân cơ hội trỗi dậy tấn công con người. Vì thế, nhằm ngăn chặn bọn quỷ quấy phá, các vị thần đã dạy người dân cách trồng Cây Nêu. 

Cây Nêu được làm từ thân một cây tre dài. Trên ngọn tre, người ta treo chùm lá dứa, chiếc chuông nhỏ, trầu cau, chiếc lồng đèn đỏ hoặc dải vải đỏ.

Sau lễ tiễn Táo Quân, cây Nêu sẽ được trồng lên ngay giữa sân trước của ngôi nhà. Hành động này gọi là dựng cây Nêu, dựng Nêu hoặc trồng cây Nêu. Cây Nêu được dựng lên cũng là lúc Tết đang về.

3.3. Tảo mộ ngày Tết:

Đây là việc con cháu trong gia đình cùng đến quét dọn, sửa sang và dâng hương tại mộ phần ông bà, người thân. Nghi lễ này thường diễn ra trong khoảng thời gian từ sau ngày 15 tháng 12 âm lịch cho đến ngày 30 tháng 12 âm lịch. 

Gần như không gia đình người Việt nào bỏ qua hoạt động này. Nó gắn liền với tinh thần hiếu đạo, tưởng nhớ cội nguồn của con cháu. Họ mặc định rằng chưa đi tảo mộ là chưa yên lòng đón Tết. 

3.4. Bày biện mâm ngũ quả:

Nhắc đến Tết Việt, chắc chắn không thể thiếu mâm ngũ quả. Từ ngày 29, 30 tháng 12 âm lịch, người Việt sẽ tiến hành chuẩn bị bày biện mâm ngũ quả. Theo truyền thống mâm ngũ quả sẽ có 5 loại quả chính, bao gồm: Mãng cầu, dừa non, đu đủ xanh, xoài, chùm sung, tạo thành mâm quả với nghĩa “Cầu dừa (vừa) đủ xài (xoài) sung”; hoặc Mãng cầu, dừa non, đu đủ, xoài, thơm mang nghĩa “Cầu dừa (vừa) đủ xài (xoài) thơm”;

Ngoài ra, tùy gia đình, mâm ngũ quả có thể là sự bày biện ngẫu nhiên từ các loại quả như: chuối, mãng cầu, dưa hấu, đu đủ, xoài, thanh long, nhãn, táo đỏ, bưởi, cam,…

Dù loại quả mỗi người chọn có thể khác nhau, nhưng có điểm chung là tất cả đều được lựa chọn và bày biện hết sức trang trọng. Là đại diện cho vẻ đẹp và lòng tôn kính của con cháu trong gia đình kính dâng lên ông bà, tổ tiên của mình.

3.5. Lễ tất niên và ngày 30 Tết:

Tết chính thức sẽ bắt đầu vào các ngày mồng 1, 2, 3 của tháng 1 âm lịch. Tuy vậy, ngày 30 tháng 12 âm lịch của năm cũ cũng quan trọng không kém. Hầu hết, tất cả các gia đình đều hoàn tất mọi công việc cần thiết vào ngày này và tiến hành dâng lễ lên bàn thờ tổ tiên ông bà. 

Ý nghĩa chính của lễ ngày 30 Tết là tạ ơn ông bà, trời đất đã phù hộ cả năm qua. Tiếp đó, họ kính cẩn mời ông bà- những người đã khuất, đang ở trong khắp cõi đất trời, về ngự tại bàn thờ gia đình, cũng con cháu ăn Tết, chào đón năm mới.

Trước đó, người Việt còn tổ chức lễ Tất niên. Lễ này không tuân theo quy định về ngày giờ nhất định, và thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 12 âm lịch cho đến ngày 30 tháng 12 âm lịch. 

Lễ Tất niên là không bắt buộc, tùy thuộc vào từng gia đình cụ thể mà có tổ chức lễ này hay không. Với những gia đình có điều kiện về thời gian và tài chính, họ sẽ tổ chức lễ Tất niên hoành tráng hơn, có nhiều người tham dự và phần tiệc đầy đủ, nhộn nhịp hơn.

Ngược lại, những gia đình có nhiều việc bận rộn hoặc điều kiện tài chính hạn hẹp, họ sẽ kết hợp lễ Tất Niên vào cùng lễ cúng ngày 30 Tết.

3.6. Nghênh đón giao thừa:

Cũng giống ngày tết dương lịch của các nước phương Tây, khoảnh khắc giao thừa khá quan trọng với Tết của người Việt. 

Trong thời khắc này, mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau. Họ cùng bày biện mâm lễ vật để dâng hương lên tổ tiên và trời đất, cầu mong an lành sẽ đến với mọi người, mọi nhà. Các thành viên trong gia đình nói với nhau những lời chúc mừng và yêu thương. Họ cùng nhau thưởng thức vài món ngon nhẹ nhàng.

3.7. Thờ cúng ông bà, tổ tiên trong ngày Tết:

Trong 3 ngày Tết chính thức, thờ cúng ông bà là nghi lễ quan trọng và trang nghiêm nhất.

Hương, hoa, bánh, trái cây, trà, rượu, trầu, cau, bánh chưng, bánh tét luôn hiện hữu trên bàn thờ trong suốt 3 ngày đầu năm. Ngoài ra, trong mỗi ngày Tết, người Việt đều có những mâm lễ được chuẩn bị cầu kỳ để dâng cúng tổ tiên. 

Mâm lễ này còn được gọi là mâm cơm cúng Tết. Mâm cơm cúng thường bao gồm: cơm, thịt lợn kho, thịt gà luộc, rau đậu xào, canh củ quả, nem/ram chiên giòn, cá kho, dưa hành, thịt lợn luộc, bánh chưng, bánh tét, canh khổ qua, chả lụa,…

3.8. Thăm viếng ông bà, người thân:

Đây được xem như một nét đẹp trong văn hóa ngày Tết, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, và tính chất gắn kết cộng động chặt chẽ.

Theo nguyên tắc chung, vào ngày đầu tiên của năm, con cháu phải đến chào hỏi, chúc Tết cha mẹ, ông bà nội/ ngoại, và dâng hương tại nhà thờ tộc.

Sau đó, sẽ đến thăm những gia đình chú bác trong họ. Theo trình tự ưu tiên từ gia đình người có thứ bậc cao hơn trong họ đến những gia đình cùng thứ bậc.

Việc thăm viếng bạn bè thân thuộc chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ đến chúc Tết họ hàng trong gia đình. Thường thì hoạt động gặp gỡ bạn bè sẽ diễn ra vào cuối ngày 02 tháng 01 âm lịch, tức ngày mồng 2 Tết, đến hết ngày mồng 3 Tết.

Đặc biệt, còn có một nét văn hóa khá thú vị gắn liền với hoạt động thăm viếng Tết chính là Lì Xì.  Lì xì là việc người lớn tặng cho những đứa trẻ trong các gia đình thân thuộc mà mình gặp vào đầu năm mới, một phong bì đỏ bên trong có vài tờ tiền mệnh giá từ 10.000vnđ đến 50.000vnđ. Hành động này mang ý nghĩa mong cầu may mắn cho cả người tặng quà và đứa trẻ được nhận quà. 

Trước đây, việc lì xì chỉ được thực hiện khi gặp một đứa trẻ. Nhưng ngày nay, việc lì xì còn mang ý nghĩa như món quà nhỏ để chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình. Khi chúc thọ một người lớn tuổi, khoảng tiền trong bì đỏ sẽ có mệnh giá lớn hơn và tương ứng với một giá trị nhất định nào đó. Khoảng lì xì này thường có mệnh giá từ 200.000vnđ trở lên. Điều này nhằm đảm bảo sự tôn trọng cho cả người tặng và người nhận. 

3.9. Trẫy hội và đi chùa cầu an năm mới:

Ngoài những hoạt động mang tính chất lễ nghi gắn liền với văn hóa đời sống gia đình, dòng tộc, làng xóm, thì hội xuân và lễ chùa là việc không thể thiếu mỗi khi Tết về. 

Có khá nhiều hoạt động lễ hội diễn ra trên khắp cả nước kéo dài từ sau ngày 20 tháng 12 âm lịch cho đến hết ngày 15 tháng 1 âm lịch. Sớm nhất là lễ dựng Cây Nêu và Tất niên làng, xóm, đến hội hoa Tết. 

Sang năm mới, các lễ hội càng nhiều hơn như hội khai bút đầu xuân, hội khai ấn tại các đền thờ. Hội đua thuyền, đấu vật, tranh châu,… Những lễ hội này đều được chính quyền địa phương tổ chức khá hoành và thu hút đông đảo người tham dự

Bên cạnh đó, đi chùa cầu bình an cho cả gia đình cũng được nhiều người Việt để tâm chú trọng. Mỗi dịp Tết về, cũng là lúc các ngôi chùa tại khắp nơi trên đất nước Việt Nam thu hút đông đảo người dân tìm đến dâng hương, cầu bái. Họ tin rằng, việc làm này sẽ mang lại bình an cho cả gia đình trong năm mới.

Quả thật ngày Tết Việt Nam là dịp hội tụ và nở rộ của hàng loạt lễ hội tươi vui, nhộn nhịp. Người dân khắp nơi đều tranh thủ hoàn thành mọi nghi lễ trong gia đình để tham gia trẫy hội. Khắp phố phường, người người xúng xính trong sắc áo mới, rộn rả nói cười, xua tan những mệt mõi của năm cũ, chào đón năm mới với niềm tin, mục tiêu và ước mong mới.

4. Những món ăn truyền thống trong ngày Tết

Tùy vào từng vùng miền khác nhau mà món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết có khác nhau đôi chút. Nhưng chung quy lại, những món ăn truyền thống chính trong ngày Tết Việt Nam sẽ bao gồm:

  • Bánh chưng, bánh Tét
  • Dưa hành: tùy từng vùng miền mà món dưa hành sẽ được biến tấu đôi chút và trở thành những món tương tự như: dưa món, dưa góp, củ kiệu.
  • Nem/ ram rán
  • Thịt kho trứng của người miền Nam/ Thịt ngâm mắm của người miền Trung/ Thịt nấu đông của người miền Bắc
  • Cá kho
  • Chả lụa/ chả giò 
  • Gà luộc lá chanh
  • Nem chua của người miền Trung/ Lạp xưởng của người miền Nam/ Giò thủ của người miền Bắc
  • Canh khổ qua hoặc các loại củ, quả

5. Những kiên cử trong ngày Tết:

Mang ý nghĩa của thời khắc chào đón cái mới, xóa bỏ cái cũ đã qua, vì thế, có những việc mà hầu hết người Việt đều tránh làm trong ngày Tết, như:

  • Không nói những điều xấu xa, xúi quẩy.
  • Những gia đình vừa mới có người qua đời, và phụ nữ đang mang thai hoặc sinh con chưa tròn 3 tháng, thường không đến chúc Tết nhà người khác.
  • Không mặc những trang phục có màu tối như đen, tím, xám hay nguyên một bộ đồ cùng tông màu trắng.
  • Không mượn tiền người khác và cũng không đòi nợ
  • Tránh tranh cãi trong những ngày Tết
  • Không ăn những món như thịt chó, thịt vịt, tôm, mực, trứng lộn, chuối

Họ cho rằng, nếu làm những việc trên vào ngày đầu năm mới sẽ mang đến những xui rủi, kém may mắn trong cả năm sắp tới.

>> Mời bạn xem thêm: Điều nên làm và không nên làm ở Việt Nam.

6. Trang phục ngày Tết

Người Việt Nam quan niệm, Tết là khoảng thời gian chỉ nên nghỉ và làm những việc mới mẽ, tươi đẹp. Trang phục ngày Tết vì thế cũng rất được chú trọng.

Trước mỗi dịp Tết, mọi người luôn dành thời gian mua sắm, chuẩn bị cho mình những bộ trang phục mới để đón tết. Trang phục Tết tương đối đa dạng và tự do trong phong cách. 

Tuy vậy, vẫn có một vài yêu cầu quan trọng cho trang phục Tết như: cần đảm bảo màu sắc tươi sáng, và phải phù hợp với từng tình huống và không gian xuất hiện cụ thể. Chẳng hạn:

  • Khi đi chúc Tết ông bà, bạn bè, người thân, cần ăn mặc lịch sự kín đáo. 
  • Ngược lại nếu chỉ đơn thuần là dạo phố du xuân, trang phục tự do hơn rất nhiều. Mọi người thoải mái lựa chọn bất kỳ bộ cánh nào mà mình thích.
  • Ngoài ra, những trang phục có màu sắc buồn tối như đen, xám, tím, hoặc chỉ mỗi một sắc trắng, thường không thích hợp để mặc trong ngày Tết. Đặc biệt, khi đến thăm viếng nhà người khác vào năm mới, cần tránh mặc những trang phục tối màu này.

Ngày nay, ở Việt Nam, áo dài không còn là trang phục bắt buộc trong ngày Tết. Tuy vậy, nhiều chị em phụ nữ và các bé gái vẫn thích lựa chọn trang phục này khi dạo phố, chụp ảnh, du xuân cùng gia đình.

7. Những câu chúc tết phổ biến:

Mỗi dịp Tết về là lúc người Việt gởi trao nhau những câu chúc tốt đẹp. Những lời chúc mang ý nghĩa chung chung như:

  • Chúc mừng năm mới! 
  • Chúc năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý!
  • Chúc sang năm mới sức khỏe dồi dào, phát tài phát lộc!
  • Chúc gia đình hạnh phúc, Tấn tài Tấn tộc, Tấn An khang!

Ngoài những câu chúc mừng mang hàm nghĩa chung chung, thì tùy vào từng đối tượng cụ thể mà có những lời chúc mang tính riêng biệt, chẳng hạn:

  • Khi gặp một đứa trẻ, người lớn hay đưa ra lời chúc: Chúc cháu sang năm mới chăm ngoan học giỏi, ăn ngon, ngủ ngon, chóng lớn!
  • – Nếu người đối diện là những bạn trẻ, lời chúc thường là: Chúc em/cháu sang năm mới vui vẻ, gặt hái được nhiều thành công trong công việc và học tập, ngày càng xinh đẹp hơn và luôn luôn tươi trẻ!
  • Trước mặt bạn là một doanh nhân, hãy chúc họ: Năm mới công việc kinh doanh thuận lợi, ngày càng có nhiều khách hàng hơn, doanh thu năm này gấp nhiều lần năm qua.
  • Những gia đình trẻ lại thích nhận được lời chúc: Chúc gia đình hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn, thêm con thêm của, cả nhà sức khỏe bình an
  • Với người lớn tuổi điều chúc quan trọng nhất là: Chúc ông/bà khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu.

Có thể thấy, cho dù là đối tượng nào đi nữa, những lời chúc đưa ra đều vì mong cầu năm mới may mắn, thuận lợi, hạnh phúc, bình an sẽ đến với tất cả mọi người.

8. Có nên du lịch đến Việt Nam đúng dịp tết

Chắc hẳn bạn đã nghe câu hỏi này từ một vài người bạn nước ngoài? Vậy làm thế nào để giải thích với người bạn ấy?

Du lịch đến Việt Nam đúng dịp Tết là cơ hội tốt để du khách tìm hiểu văn hóa của đất nước này. Rất nhiều lễ hội độc đáo diễn ra khắp từ Bắc vào Nam, sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Đồng thời, đây cũng được xem như khoảng thời gian có thời tiết đẹp nhất trong năm, nên vô cùng thuận lợi cho các hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là một vài bất tiện như: giao thông đông đúc, tất cả các dịch vụ đều tăng giá. Thậm chí, du khách sẽ gặp khó khăn để tìm kiếm phương tiện di chuyển. Nhiều nhà hàng đóng cửa. Rất nhiều dịch vụ không hoạt động vì phần lớn nhân viên đều đã nghỉ Tết theo đúng quy định của chính phủ.

Do đó, nếu bạn sẵn sàng trước những bất tiện trên, bạn sẽ có một kỳ nghỉ đầy màu sắc cùng ngày Tết Việt Nam độc đáo.


 

 / 

Sign in

Send Message

My favorites