Trang phục của người Việt Nam

Trước khi du lịch đến một quốc gia mới, đa phần du khách sẽ băn khoăn về trang phục thường nhật của đất nước mình sẽ đến. Liệu có quy định, lưu ý đặc biệt nào về vấn đề trang phục của người dân bản địa mà du khách cần lưu tâm không.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến du khách trang phục thường ngày và cho những dịp đặc biệt của người Việt Nam. Cùng một vài lưu ý cần thiết về cách ăn mặc khi bạn du lịch đến đây.

trang phuc thuong ngay o viet nam
Trang phục độc đáo ở Việt Nam. ©Vietnamdrive

1. Trang phục thường ngày

Hiện tại, trên lãnh thổ Việt Nam, trang phục thường ngày của người dân khá thoải mái và phần lớn theo phong cách thời trang của phương Tây. Việc lựa chọn trang phục, chủ yếu được quyết định bởi tính chất công việc hàng ngày của người mặc. Có thể thấy như:

– Với nữ giáo viên, nhân viên văn phòng, họ thường chọn áo dài cho một vài ngày nhất định trong tuần hoặc tháng. Những ngày còn lại, chị em sẽ tự do khoe vóc dáng cùng các bộ váy, vest theo phong cách công sở của châu âu hiện đại (business attire). 

– Phái nam làm việc ở văn phòng, công sở ưu tiên lựa chọn các loại áo sơ mi và quần âu (trousers). 

– Người lao động tự do hoặc buôn bán có trang phục đơn giản hơn rất nhiều. Bên cạnh một vài ưu tiên về sự an toàn, họ thường chọn áo quần có chất liệu vải nhẹ nhàng, co giãn linh hoạt phù hợp với công việc của mình. Các loại áo quần may mặc sẵn rất được ưa chuộng, như áo thun, quần jean hoặc kaki. Đồ bộ bằng vải thun, kate mềm mại được phái nữ trung niên và lớn tuổi yêu thích

– Đối tượng học sinh, trang phục sẽ là những bộ đồng phục theo quy định riêng của nhà trường. Trong đó, đồng phục của học sinh cấp 1, 2 chủ yếu xoay quanh tiêu chí gọn gàng, lịch sự, nhưng đồng thời cần đảm bảo thoải mái, thuận tiện cho trẻ em ở độ tuổi này tự do hoạt động. Trang phục thường là áo sơ mi cổ bẻ bằng chất liệu vải thun, cotton, kate. Cùng quần short, quần âu hoặc váy may từ vải kaki.

Học sinh cấp 3, trang phục đòi hỏi nhiều hơn ở tiêu chí lịch sự. Nữ sinh sẽ mặc áo dài trắng theo một số ngày nhất định trong tuần, những ngày còn lại có thể chọn đồng phục áo sơ mi cùng chân váy hoặc quần âu phong cách lịch sự và phù hợp quy định của nhà trường về màu sắc, chất vải. Nam sinh được yêu cầu mặc quần âu dài cùng áo sơ mi có cổ.

– Trang phục dạo phố luôn là nhóm trang phục tự do nhất và gần như không có quy định, quy tắc nào cho nhóm trang phục này. Người Việt có thể mặc bất kỳ thứ gì họ muốn để ra đường bao gồm cả áo hai dây, áo ngủ, áo hở eo, lưng, váy ngắn, dài,… Tuy vậy, những bộ cánh quá gợi cảm thường ít xuất hiện hơn trên đường phố Việt Nam. Điều này một phần nằm ở những mặc định về văn hóa, lễ giáo vốn tồn tại trong chính mỗi người dân.

– Ở một số vùng miền nhất định trên lãnh thổ Việt Nam, như: Khu vực đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên hay miền núi Tây Bắc, người dân tại đây sẽ có những bộ trang phục may từ Thổ Cẩm mang đặc trưng riêng của dân tộc mình. Hoặc ở miền Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, trang phục áo Bà Ba rất phổ biến trong đời sống thường nhật của người dân.

Tuy vậy, những mẫu trang phục đặc trưng này không phổ biến trong đời sống người Việt. Nó chỉ mang ý nghĩa là biểu tượng văn hóa của từng vùng miền và cộng đồng dân tộc cụ thể. Do đó, có thể, bạn chỉ có cơ hội ngắm những bộ trang phục đặc trưng này ở những địa phương nhất định và không gặp lại chúng tại hầu hết các thành phố của Việt Nam.

Trên tổng thể, phong cách thời trang tại Việt Nam hiện nay rất thông thoáng, cởi mở và mang nhiều hơi thở Tây phương. Mặc dù, tại hầu hết các cơ quan, công sở, trường học đều có quy định riêng của họ về trang phục dành cho nhân viên, học viên của mình. Nhưng chung quy vẫn đề cao tính thẩm mỹ, năng động, thuận tiện, hiện đại và tôn trọng cái nhìn thẩm mỹ của mỗi cá nhân riêng biệt.

2. Trang phục cho những sự kiện đặc biệt

Giống hầu hết các nước trên thế giới, trong những sự kiện đặc biệt, người Việt cũng chú tâm lựa chọn những bộ trang phục phù hợp, đảm bảo yếu tố lịch sự, trang trọng cho cả người mặc và sự kiện mà họ tham gia. Cụ thể:

– Ở các sự kiện lễ hội có liên quan đến yếu tố lễ nghi truyền thống như: lễ chùa, cúng tế, dâng hương, … đòi hỏi trang phục kín đáo, lịch sự. Áo không được hở eo hay ngực, tay và cổ áo kín đáo, màu sắc phải trung tính, không lòe loẹt, nhiều màu. Cả phái nữ và nam đều được yêu cầu mặc quần dài quá gối, không tạo kiểu bằng các đường cắt, xẻ để lộ cơ thể. Phái nữ thường được khuyến khích mặc áo dài truyền thống.

– Trong các bữa tiệc, liên hoan, cưới hỏi người Việt tự do lựa chọn trang phục đẹp, trang nhã, phù hợp với vóc dáng bản thân và đảm bảo yếu tố lịch sự cần thiết. Đa phần những bộ áo quần này đều theo thiết kế hiện đại của phương Tây, như váy, đầm dành cho phái nữ và quần âu, áo sơ mi hoặc vest ở phái nam.

– Đặc biệt, trang phục lễ cưới của cô dâu, chú rể trong hôn lễ của mình thường có 2 bộ chính, bao gồm: áo dài, khăn đóng khi làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, họ hàng. Sau khi hoàn tất nghi lễ, cô dâu sẽ chọn váy cưới theo phong cách phương tây và chú rể lựa chọn trang phục vest cho bữa tiệc mừng tân hôn của mình.

– Một lưu ý là tại các buổi tiệc cưới, chúc Tết nguyên đán, tiệc chúc mừng, người Việt có quy ước không nên mặc đồ tối màu, như đen, xám, tím hoặc chỉ một tông màu trắng cho cả áo và quần. Bởi những màu sắc này dễ gây liên tưởng đến những điều không may như đám tang hoặc đổ vỡ, chia ly.

Như vậy, có thể thấy, tiêu chí cơ bản nhất cho trang phục tại hầu hết các sự kiện quan trọng tại Việt Nam là yếu tố lịch sự, trang trọng. Tiếp theo, tiêu chí thẩm mỹ cũng nhận được nhiều lưu tâm bởi người mặc. Tất cả đều nhằm đảm bảo đủ sự tôn trọng dành cho sự kiện mình tham dự, những người có mặc tại sự kiện và bản thân mình.

3. Những bộ trang phục của người Việt dễ gây hiểu nhầm cho du khách 

– Áo chống nắng:

Một trong những bộ trang phục tại Việt Nam dễ gây hiểu nhầm cho du khách là “Áo chống nắng” của chị em phụ nữ. Nó trông như bộ trang phục Ninja của người Nhật hay thời trang bắt buộc của phụ nữ Hồi Giáo.

Trên thực tế, đó chỉ là bộ cánh để chị em che nắng khi ra khỏi nhà. Bộ áo chống nắng được may bằng chất liệu vải thun co giản tốt, với hai lớp dày cộp. Nó bao gồm chiếc áo rộng có mũ che kín cả đầu, mặt, toàn thân trên và cả cánh tay, bàn tay. Chiếc váy bên dưới trông như tấm vải rộng có phần khuy hoặc băng dính gai (velcro hook tape ) để cố định ở lưng.

Bộ áo chống nắng cũng có thể bao gồm cả áo và váy nối liền, che kín toàn thân từ đầu đến gót chân.

Phụ nữ Việt chỉ sử dụng áo chống nắng khi ra khỏi nhà như một chiếc áo khoát ngoài. Bên trong mỗi bộ áo chống nắng sẽ là những bộ trang phục chính đẹp đẽ hơn mà họ chọn mặc.

Chính những bộ đồ chống nắng này khiến phụ nữ hoàn toàn “ẩn thân” mỗi khi ra đường. Đặc biệt, trong những ngày nắng, sẽ thật khó để nhận diện ra ai đó dưới lớp áo dày che kín toàn bộ cơ thể và đôi mắt ẩn sâu trong cặp kính màu. Nó khiến không ít du khách cảm giác mơ hồ trong lần đầu nhìn thấy. Bởi bộ trang phục dễ gây liên tưởng đến những con người bí ẩn như phù thủy hay con chiên trong một tu viện của tôn giáo kỳ lạ nào đó.

– Khẩu trang kín mít: Nếu ở phương Tây, chiếc khẩu trang chỉ dành riêng cho bác sĩ, người làm việc trong phòng thí nghiệm, thì ở Việt Nam, khẩu trang như vật bất ly thân của tất cả mọi người khi ra khỏi nhà. 

Họ mang khẩu trang không vì lý do ngăn chặn vi khuẩn hay bệnh tật, mà đơn giản là để tránh bụi và chống nắng. Chính điều kiện khí hậu nắng gắt cùng văn hóa sử dụng xe máy đã biến chiếc khẩu trang trở thành thứ không thể thiếu trong đời sống người dân. Có vẻ như, không ai cảm thấy bất tiện với chiếc khẩu trang thường trực trên mặt.

Là một du khách lần đầu đến Việt Nam, bạn đừng lo lắng khi thấy hầu như tất cả người dân trên đường đều mang khẩu trang nhé. Không có bất kỳ một quy định nào của chính phủ, hay văn hóa truyền thống liên quan đến việc mang khẩu trang trên đường phố. Yếu tố dịch bệnh cũng sẽ được loại bỏ nếu bạn không nhận được bất kỳ khuyến cáo, thông báo nào liên quan đến vấn đề này từ chính quyền, hay hướng dẫn viên của bạn. 

4. Du khách nước ngoài mặc gì khi đến Việt Nam?

Khí hậu Việt Nam không quá lạnh vào mùa đông nhưng lại rất nắng nóng trong mùa hè. Do đó, du lịch đến Việt Nam, ngoài việc chú ý đến thời tiết để chuẩn bị trang phục phù hợp như áo ấm cho ngày lạnh và đồ thoáng mát trong những ngày hè, bạn hãy thoải mái mặc những gì mình thích.

– Nếu lịch trình của bạn có ghé đến các điểm di tích lịch sử, chùa chiền, đền thờ, di tích văn hóa,… bạn nên mặc trang phục kín đáo, lịch sự, như: áo, váy không hở eo, vai, ngực, và phần quần nên dài quá đầu gối.

– Ở các bãi biển, trừ một số bãi biển nhỏ dành riêng cho người địa phương, hầu hết người đi biển đều rất thoải mái với đồ bơi, bikini. Do đó, bạn đừng lo lắng về việc liệu có thể mặc bikini khi tắm biển ở Việt Nam hay không nhé.

– Lúc dạo phố, bạn thoải mái mặc những bộ cánh bạn thích mà không cần lo lắng bất kỳ điều gì. Vì chính người Việt, mỗi khi dạo phố, họ cũng có phong cách ăn mặc vô cùng tự do, không ràng buộc hay tuân theo quy tắc đặc biệt nào.

– Nếu bạn cần tham gia bữa tiệc tại một gia đình người Việt, hãy hỏi chủ nhân bữa tiệc, người đã mời bạn tham dự, về vấn đề trang phục nên và không nên mặc khi đến đó. Sẽ không có quá nhiều quy định rắc rối, nhưng điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, tự tin hơn.

Từ những hiểu biết trên về trang phục ở Việt Nam, du khách có thể tự tin chuẩn bị cho mình các bộ áo quần yêu thích, sẵn sàng bắt đầu chuyến du lịch đến đất nước này.

Có một đề xuất tuyệt vời mà chúng tôi muốn dành cho bạn, là trải nghiệm dịch vụ may mặc trực tiếp tại Việt Nam. Hội An được đánh giá như thiên đường cung cấp dịch vụ may mặc này. Du khách có thể chọn may áo sơ mi, vest, đầm, váy,… các kiểu, theo số đo và mẫu mã mà mình yêu thích với mức giá thật sự hấp dẫn. 

Không chỉ có may mặc trực tiếp, tại Việt Nam, các sản phẩm thời trang may mặc sẵn, phân khúc phổ thông, như: áo thun, quần kaki, quần jean, khăn choàng, áo quần nội y, cũng vô cùng phong phú về mẫu mã, chất lượng và giá cả rất rẻ. Do đó, du khách có thể cân nhắc việc mang theo lượng áo quần vừa đủ và dành thời gian để làm đầy vali hành lý của mình khi đến đây. Hoạt động này có thể làm chuyến du lịch của bạn thêm nhiều ấn tượng thú vị.


 

 / 

Sign in

Send Message

My favorites