Điện Hòn Chén
Điện Hòn Chén hay còn gọi điện Huệ Nam, là địa chỉ du lịch tâm linh độc đáo tại thành phố Huế, bởi tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ đa thần tại đây. Hàng năm, điện thờ linh thiêng này thu hút lượng lớn người dân địa phương và khách du lịch khắp nơi tìm về dâng hương cúng bái.
Khu vực điện thờ nằm ngay bên bờ bắc sông Hương, cách TP Huế tầm 8km về phía Tây.
Hiện tuyến đường bộ dẫn đến đây còn cách trở, nên hầu hết du khách khi muốn thăm viếng điện Hòn Chén sẽ sử dụng thuyền rồng xuất phát từ trung tâm TP. Hoặc, sử dụng ô tô để di chuyển đến bến Than, một bến đò nhỏ nằm ở thôn Thủy Bằng, đối diện điện Hòn Chén qua dòng sông Hương, sau đó bắt chuyến đò ngang để đến Điện.
Trong hai cách thức di chuyển trên, phần lớn du khách đều thích lựa chọn phương tiện thuyền rồng từ trung tâm thành phố. Bởi với lựa chọn này, du khách sẽ có khoảng thời gian tầm 40- 50 phút cho mỗi chiều đi hay về, để ngồi thuyền ngược suôi dòng Hương giang.
Được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên yên bình, những dãi công viên rợp bóng cây xanh, hay khu vườn cây trái trĩu quả, cùng mái nhà ẩn hiện xa xa, dọc theo hai bên bờ.
Điện Hòn Chén nằm trên ngọn núi Ngọc Trản, lưng tựa vào núi, mặt quay về phía sông Hương, soi bóng trên một khúc sông phẳng lặng.
Nhiều người cho rằng đây là đoạn sâu nhất của sông Hương. Nước sông ở đây cũng vì thế mà dường như trong và xanh hơn. Do đó, lúc du khách ngồi thuyền đến Huệ Nam, bạn cần hết sức cẩn thận. Đặc biệt, nếu bạn đi kèm trẻ em, hãy đảm bảo các bé không chạy nhảy, nghịch ngợm vì sự an toàn của chính bạn.
Điện Hòn Chén được xây dựng dưới thời vua Đồng Khánh (1885- 1889), bao gồm một chánh điện và phần sân trước. Trong đó, phần sân trước có diện tích tương đối nhỏ, với một vài điện thờ các vị thần như Thổ địa, thần bảo vệ, và cả những vong linh muốn nương nhờ nơi thanh tịnh.
Do khoảng sân nhỏ nên du khách muốn chụp ảnh được toàn bộ kiến trúc chính điện, bạn có thể cài đặt máy ảnh ở chế độ Zoom xa 0,5 lần.
Phần chánh điện là một tòa kiến trúc nhỏ bằng gỗ. Bên trong, được trang trí rất trang nghiêm, gồm bàn thờ thánh mẫu Thiên Y A Na ở chính giữa, hai bên thờ các vị thần, Bồ tát Quan Thế m, và thánh Quan Công.
Việc thờ cúng thánh mẫu, kết hợp đa thần, và cả Bồ Tát trở thành một trong những điểm nổi bật của điện Hòn Chén. Nên khi bước vào trong chính điện bạn sẽ thấy rất nhiều pho tượng, bàn thờ được bài trí gần như kín cả không gian chính điện nhỏ hẹp.
Vì vậy, là một du khách, khi vào trong, bạn nên đi nhẹ, nói khẽ, không chụp hình, cũng như thắp hương. Điều đó như một sự tôn trọng mà bạn dành cho địa điểm tâm linh này.
Những câu chuyện về Điện Hòn Chén
Câu chuyện về tên gọi Hòn Chén:
1. Giả thuyết thứ nhất cho rằng: trên đỉnh đồi, ngay phía sau chính điện có một vạt đất bị lõm xuống, tạo thành chiếc hố tròn nhỏ. Khi mưa, nước đọng lại trong hố trông như một cái chén đựng nước, nên gọi là Hòn Chén.
Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khám phá ngọn đồi này bằng đường bộ là rất khó khăn. Đồng thời, chúng tôi cũng không tìm thấy bất cứ hình ảnh hay video nào thể hiện điểm lõm trên núi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là một giả thuyết không thuyết phục về nguồn gốc tên gọi điện Hòn Chén.
2. Giả thuyết thứ hai dựa vào căn cứ: hình dáng ngọn núi nơi này tròn trĩnh, trông như một cái chén úp ngược nằm bên bờ bắc sông Hương. Do đó, người dân địa phương gọi điện thờ nằm trên ngọn đồi này là điện Hòn Chén.
Cách giải thích này có vẻ hợp lý, thuyết phục hơn, và chúng tôi đồng tình với giả thuyết này.
Câu chuyện tâm linh giữa điện Huệ Nam và vua Đồng Khánh
Trước khi đăng quang ngôi vua, Hoàng Tử Nguyễn Phúc Ưng Đường có lần tìm đến điện Hòn Chén để cầu nguyện và xin quẻ về cuộc đời của mình.
Ưng Đường được ứng báo sẽ trở thành vị vua trong tương lai. Quả thật, đến năm 1885, Ưng Đường lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Đồng Khánh.
Để tỏ lòng biết ơn thánh mẫu Thiên Y A Na, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại điện thờ khang trang hơn. Các nguyên liệu gỗ tốt và chất kết dính bền đẹp đã được sử dụng để xây điện.
Điện được vua Đồng Khánh cho xây dựng là chính điện còn tồn tại cho đến ngày nay. Mặc dù, trải qua thời gian cùng nhiều lần tu bổ, sửa chữa, nhưng cấu trúc, thiết kế ban đầu gần như vẫn được bảo tồn nguyên trạng.
Nhằm tưởng nhớ công ơn xây dựng điện của nhà Vua, tại tầng thứ hai, phía sau chính điện có bố trí bàn thờ vua Đồng Khánh.
Điều đó càng góp phần làm phong phú hơn sự đa sắc màu trong tín ngưỡng thờ cúng tại điện Huệ Nam, từ thờ mẫu, thờ Phật, thờ thần, đến thờ vua. Nó làm nên điểm nổi bật rất riêng biệt cho hành trình tham quan và lễ bái nơi này.
Lễ hội điện Hòn Chén
Hiện nay, nhiều người dân địa phương và người hành hương khắp nơi vẫn tin tưởng rằng điện Hòn Chén là một trong những điểm cầu nguyện, thờ cúng linh thiêng bật nhất đất Thần Kinh. Do đó, mỗi ngày điện thờ đều được chăm lo quét dọn, hương hoa cẩn thận, đầy đủ.
Bên cạnh việc cúng viếng trang nghiêm hàng ngày, mỗi năm tại điện Hòn Chén đều tổ chức lễ hội thu hút lượng lớn người tham gia cúng bái. Lễ hội điện Huệ Nam diễn ra vào tháng 7 âm lịch thường niên và kéo dài từ 3 -4 ngày. Tuy vậy, ngày diễn ra lễ chính thức là không cố định và thay đổi tùy năm.
Vào dịp lễ hội tâm linh đặc biệt này, du khách sẽ được nhìn thấy rất nhiều thuyền rồng được trang trí rực rỡ, đẹp mắt, giăng kín đoạn sông Hương ngay trước điện Hòn Chén. Đây là phương tiện di chuyển chính được sử dụng trong lễ hội.
Bên trên điện, tiếng hát cầu nguyện vang vọng đến tận bến sông, và kéo dài xuyên suốt những ngày lễ hội.
Nếu bạn có dịp đến Huế vào những ngày tháng 7 âm lịch, hãy sắp xếp thời gian hợp lý để được tham gia hoạt động lễ hội thú vị này. Hòa mình vào những ngày lễ hội sẽ là trải nghiệm khác biệt về một hoạt động văn hóa và tôn giáo bản địa đa màu sắc.
-
Lịch sử & văn hóa
-
Thiên nhiên
-
Có bãi đậu xe